Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các công ty công nghệ Mỹ gỡ bỏ các ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc, đồng thời vạch ra sáng kiến “mạng lưới sạch” của chính quyền, nhằm bảo vệ lợi ích Hoa Kỳ.
Ông Pompeo nhắm đến kho ứng dụng của hai ông lớn công nghệ Apple và Google. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi chính quyền tổng thống Donald Trump gây sức ép, nhằm buộc ứng dụng phổ biến TikTok phải bán lại cho một đối tác Mỹ vì những lo ngại về bảo mật.
Ông lớn công nghệ Mỹ Microsoft đã xác nhận, đang trong khâu đàm phán để mua lại TikTok từ ByteDance – công ty công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh.
Ngày 5/8, ông Pompeo phát biểu tại một phiên họp báo: “Với việc có công ty mẹ tại Trung Quốc, các ứng dụng như TikTok, WeChat và một số ứng dụng khác là những mối đe dọa khôn lường đến dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ, chưa kể đến các công cụ kiểm duyệt nội dung của ĐCSTQ”.
Theo luật tình báo quốc gia Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh có quyền truy cập vào toàn bộ dữ liệu được lưu trữ tại vùng lãnh thổ của họ.
Chính sách quyền riêng tư hiện nay của TikTok khẳng định: Công ty thu thập “những thông tin mà người dùng chia sẻ với chúng tôi từ các nhà cung cấp mạng xã hội bên thứ ba, cũng như thông tin về kỹ thuật và các hoạt động mà người dùng thực hiện trên nền tảng này”. Bên cạnh đó, TikTok còn thu thập thêm thông tin khác của người dùng như địa chỉ IP và dữ liệu vị trí.
Ngày 25/7, các thành viên Hạ viện Đảng Cộng hòa đã gửi một lá thư đến Tổng thống Trump, chỉ ra chính sách quyền riêng tư của Tik Tok là lý do chính đáng để ngăn cấm sử dụng ứng dụng này, và nhiều ứng dụng khác có liên kết với ĐCSTQ.
WeChat – ứng dụng nhắn tin phổ biến thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent, đã tuân thủ theo các quy định kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc, đồng thời mở rộng việc theo dõi và kiểm duyệt đối với người dùng ứng dụng tại Mỹ.
Ngày 5/8, ông Pompeo khẳng định, việc gỡ bỏ các ứng dụng “không đáng tin cậy” của Trung Quốc chỉ là một trong 6 kế hoạch của chiến lược “mạng lưới sạch”. Chiến lược ban đầu được chính phủ Mỹ nỗ lực thực hiện, nhằm gây sức ép để nhiều quốc gia ban hành lệnh cấm các nhà cung cấp từ Trung Quốc, bao gồm tập đoàn Huawei và mạng lưới 5G của họ.
Ông Pompeo cũng kêu gọi các công ty Hoa Kỳ không cung cấp ứng dụng của họ cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh “không đáng tin cậy” như Huawei.
“Chúng tôi không muốn các công ty, tập đoàn [Mỹ] đồng lõa với các hành vi vi phạm nhân quyền của Huawei, hay với bộ máy giám sát của ĐCSTQ”, ông nói.
Vào tháng 6, Lầu Năm Góc đã điểm tên 20 tập đoàn, công ty thuộc sở hữu hoặc chịu sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc bao gồm Huawei, China Mobile và China Telecom.
Giữa tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ban hành các hạn chế thị thực đối với những nhân viên của Huawei, và các công ty công nghệ Trung Quốc khác, có động thái ủng hộ hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc trên khắp thế giới.
Chiến dịch “mạng lưới sạch” cũng sẽ vạch trần các vấn đề xoay quanh điện toán đám mây và cáp dữ liệu dưới biển của Trung Quốc. Trong đó, mạng lưới cáp dữ liệu dưới biển đang nắm giữ 99% lưu lượng dữ liệu trên thế giới.
Vị Ngoại trưởng Mỹ cũng chỉ đích danh 5 nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây của Trung Quốc là Alibaba, Baidu, China Mobile, China Telecom và Tencent. Đồng thời chỉ ra những mối nguy hại đối với người Mỹ và các công ty Hoa Kỳ, nếu họ lưu trữ dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu về nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 trên các nền tảng trực tuyến này.
Tháng 7 vừa qua, 2 hacker được Trung Quốc ‘chống lưng’ đã bị truy tố, vì hành vi trộm cắp các bí mật kinh doanh, và cố ý tìm cách đánh cắp các dữ liệu nghiên cứu về COVID-19.
Ông Pompeo phát biểu: “Bộ Ngoại giao sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Thương mại và các cơ quan khác, nhằm hạn chế khả năng thu thập, lưu trữ và xử lý số lượng lớn dữ liệu và thông tin nhạy cảm tại Mỹ của các nhà cung cấp dịch vụ Trung Quốc”.
Trong một sáng kiến khác, ông Pompeo cảnh báo những dữ liệu được truyền bằng cáp ngầm dưới biển có thể bị ĐCSTQ xâm phạm đến, đặc biệt là những tuyến cáp do Huawei Marine lắp đặt.
Đầu tháng 6, một báo cáo của Thượng viện đưa ra cảnh báo rằng, các hãng viễn thông Trung Quốc do nhà nước sở hữu, có thể đang hỗ trợ chính quyền Trung Quốc trong công tác gián điệp kinh tế và internet nhằm chống lại Mỹ.
Việt Anh (Theo Epoch Time)