Theo South China Morning Post, trong bối cảnh dự luật Hong Kong đang nhận được sự chú ý gần đây, Hoa Kỳ vẫn còn hơn 150 dự luật đang chờ đặt lên bàn làm việc của Tổng thống Trump và cái nào cũng ‘dữ dội’: Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương,… như muốn “tổng tấn công” Trung Quốc.
Đạo luật chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 9 là một trong nhiều dự luật nhắm vào Trung Quốc có thể sẽ “hạ cánh” tại bàn làm việc của Tổng thống Trump. Dự luật này đang đợi Hạ viện Mỹ thông qua.
Một ví dụ điển hình khác là dự luật Kiểm soát Chuyển giao công nghệ Trung Quốc, hoặc một số điều khoản liên quan tới Bắc Kinh, bao gồm Đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia cần được xét lại và thông qua hàng năm, đều là những dự luật nhắm thẳng vào Trung Quốc.
Ngoài các vấn đề Hong Kong và cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, các dự luật này còn bao quát nhiều lĩnh vực khác như: An ninh mạng, fentanyl, các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị, thương mại và đầu tư, vấn đề Đài Loan và Biển Đông…
Tương tự như Dự luật về Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa Washington và đặc khu này, một số dự luật và đạo luật khác cũng có khả năng gây gián đoạn thương mại và đầu tư quốc tế.
Ví dụ, theo nội dung của Dự luật Kiểm soát Chuyển giao công nghệ Trung Quốc, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại Mỹ sẽ thành lập một danh sách “các công nghệ quan trọng đối với lợi ích quốc gia” không được phép buôn bán hoặc chuyển giao cho Trung Quốc, và đạo luật này cũng cho phép việc trừng phạt bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức nào vi phạm điều đó.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Arthur Kroeber, trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty dịch vụ tài chính Gavekal Dragonomics, việc thông qua dự luật về Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong không đồng nghĩa với việc các đạo luật chống lại Trung Quốc khác cũng sẽ được thông qua dễ dàng như vậy.
“Lý do dự luật [về Hong Kong] được Thượng viện Mỹ thông qua là bởi họ có thể dễ dàng làm điều đó mà không phải cân nhắc quá nhiều. Dự luật này về cơ bản chỉ là xét lại tình trạng của đặc khu Hong Kong, nó không phức tạp như các dự luật khác về đầu tư và nguồn vốn”, ông Kroeber nói.
Khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật ủng hộ Hong Kong, Bắc Kinh đã nhanh chóng buông lời đe dọa sẽ trả đũa nếu nó trở thành đạo luật. Vào hôm 20/11, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triệu Húc đã triệu tập quyền đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông William Klein để phản đối quyết định của Thượng viện Mỹ.
“Trung Quốc sẽ tung ra các biện pháp trả đũa mạnh mẽ, và Mỹ sẽ phải gánh chịu tất cả hậu quả”, South China Morning Post trích dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tuy Bắc Kinh phản ứng gay gắt như vậy, nhưng theo một bài phân tích mới đây của Bloomberg thì Bắc Kinh có vẻ đã “lực bất tòng tâm”. Trung Quốc đã gần như cạn kiệt giải pháp hiệu quả để đáp trả Mỹ về mặt kinh tế bởi hầu hết các vũ khí kinh tế đều đã sử dụng trong cuộc thương chiến với Mỹ.
Thiện Thành (t/h)