Đường kẻ Nazca là một loạt các hình vẽ khổng lồ độc đáo được khắc vào sa mạc Nazca ở Peru, nó có thể đã được hai nhóm người riêng biệt đi hành hương đến đền chùa cổ sử dụng, một nghiên cứu mới cho biết.
Tuy nhiên, mục đích của hình khắc trong sa mạc có thể đã thay đổi theo thời gian.
Các hình vẽ Nazca sớm nhất được tạo ra để khách hành hương có thể nhìn thấy trên đường thực hiện nghi lễ, các nhà nghiên cứu cho biết. Những người sau này có thể đã đập vỡ chậu gốm trên mặt đất ở vị trí giao nhau của các đường kẻ trong nghi thức tôn giáo cổ xưa, theo nghiên cứu được trình bày vào ngày 16/4/2015, tại cuộc họp thường niên lần thứ 80 của Hiệp hội Khảo cổ học Hoa Kỳ.
Hơn nữa, các hình vẽ Nazca có thể đã được hai nhóm người sống trong những vùng khác nhau của cao nguyên sa mạc này tạo rao, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nghệ thuật chạm khắc bí ẩn
Là một trong những nơi khô hạn nhất trên Trái đất, nằm giữa dãy núi Andes và bờ biển, hơn một nghìn hình vẽ khổng lồ nằm rải rác trên vùng đất này. Những người cổ đại đã tạo ra các hình dạng này từ năm 200 TCN đến năm 600 SCN, bằng cách loại bỏ các loại đá màu đỏ trên bề mặt của sa mạc, theo đó lớp đất màu sáng ở dưới sẽ hiện ra và tạo nên những đường rảnh.
Các hình thù kỳ lạ trên sa mạc gồm các loài động vật như: lạc đà, chó và khỉ, cũng như những sinh vật siêu nhiên huyền ảo, những cảnh chém đầu và cái cúp hình đầu người, cùng những thiết kế hình học như: hình thang, đường dây và hình tam giác. Mặc dù những hình thù bí ẩn này thu hút được sự chú ý rộng rãi vào năm 1920, khi những hành khách đi máy bay nhìn thấy chúng từ trên cao, nhưng những người sống ở đó thậm chí còn thấy chúng sớm hơn trong những lúc đi bộ trên đỉnh đồi ở cao nguyên Nazca.
Các nhà khảo cổ mãi vẫn chưa lý giải được ẩn đố mục đích của đường kẻ Nazca. Một số nhà nghiên cứu lập luận rằng các đường kẻ Nazca tạo thành một mê cung. Tuy nhiên, người khác nói rằng những đường kẻ và hình vẽ khớp với những chòm sao trên trời hay với các tuyến nước ngầm dưới mặt đất. Rồi cũng lại có người nói đường kẻ Nazca là một phần của con đường hành hương cổ xưa.
Hai nền văn hóa?
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Yamagata ở Nhật Bản đã phát hiện 100 hình vẽ khổng lồ, cũng như những mảnh gốm vỡ ở các điểm giao nhau của các đường kẻ.
Để hiểu chính xác làm thế nào mà những hình vẽ này kết hợp với nhau, Masato Sakai từ Đại học Yamagata và các đồng nghiệp đã phân tích vị trí, phong cách và phương pháp xây dựng cho một số hình vẽ khổng lồ mới phát hiện. Sakai đã tìm thấy bốn phong cách khác nhau của hình vẽ khổng lồ để hợp thành nhóm. Các nhóm hình vẽ này xuất hiện chạy dọc theo các tuyến đường khác nhau dẫn đến một ngôi đền thời tiền Inca rộng lớn ở Peru, được gọi là Cahuachi. Với bằng chứng khảo cổ này, cùng với nhiều ngôi đền và kim tự tháp, người ta thấy rằng Cahuachi là một trung tâm tôn giáo của người hành hương.
Ngoài ra, để hiển thị các nội dung khác nhau, hình vẽ khổng lồ cũng được vẽ từng cái riêng biệt khác nhau, một số được thực hiện bằng cách loại bỏ đất đá từ bên trong đường kẻ, trong khi ở những cái khác người ta lại loại bỏ đá ở phần biên, Sakai nói. Ví dụ, hình vẽ của động vật: như kền kền và lạc đà đã được tìm thấy dọc theo một con đường bắt nguồn từ sông Ingenio, thuộc nhóm phân loại tương ứng là loại A và loại B.
“Các hình vẽ khổng lồ loại A và B không chỉ được đặt ở khu vực tiếp giáp với thung lũng Ingenio mà còn dọc theo con đường đi Cahuachi. Do đó, có vẻ hợp lý khi giả định rằng hình vẽ loại A và B được nhóm người từ thung lũng Ingenio vẽ”, Sakai nói với tờ Khoa học Đời sống (Live Science).
Trong khi đó, một phong cách hình vẽ khác biệt, như những sinh mệnh siêu nhiên và đầu lâu, được tập trung ở thung lũng Nazca và trên tuyến đường đến Cahuachi, có thể được những nhóm người sống trong khu vực này thực hiện. Nhóm hình vẽ khổng lồ thứ ba, như thể đây là sự kết hợp của hai nhóm trước, được tìm thấy trên cao nguyên Nazca, nơi giao thoa giữa hai nền văn hóa.
Thay đổi cách sử dụng
Mục đích của các hình vẽ khổng lồ cũng có thể đã thay đổi theo thời gian, từ khi kết thúc giai đoạn Định hình (Formative period) vào 200 SCN, đến giai đoạn Nazca sơ khởi, tức là tận cuối năm 450 SCN. Những mảnh gốm vỡ xuất hiện vào giai đoạn sau này.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hình vẽ khổng lồ thuộc giai đoạn Định hình được đặt ở đây để giúp người hành hương có thể nhìn thấy nó trên hành trình của mình, trong khi những cái thuộc thời kỳ Nazca sơ khởi được sử dụng như một nơi tiêu hủy đồ gốm trong các nghi thức lễ nghi”, Sakai nói.
Và những người dân sa mạc cổ xưa vẫn tiếp tục làm những đường kẻ trong thời gian đó, Sakai nói.
“Ngay cả sau khi các ngôi đền Cahuachi sụp đổ, hình thang và đường thẳng vẫn tiếp tục được thực hiện và sử dụng”, Sakai cho biết.
Thanh Phong, dịch từ News Discovery