Một nghiên cứu mới cho thấy gen di truyền ảnh hưởng đáng kể đến thành công trong học tập của trẻ. Do đó, cha mẹ không nên lo lắng quá về thành tích của con, vì có lẽ trong gen của các bé đã có những nhân tố tự nhiên giúp chúng thành công.
Nghiên cứu mới được công bố trong báo cáo “Khoa học về Lĩnh vực học tập” (Science of Learning), do hai nhà nghiên cứu ở Anh và Mỹ thực hiện, đã nói lên gen di truyền ảnh hưởng đáng kể đến thành công trong học tập của trẻ, từ đầu tiểu học đến ngày cuối cùng học trung học.
Nhiều năm qua, các nhà khoa học đã chỉ ra thành tích giáo dục có ảnh hưởng đến tình trạng nghề nghiệp, sức khỏe, hạnh phúc tương lai của người ta. Tuy nhiên, nếu việc duy trì thành tích tốt ở trường báo hiệu một tương lai sáng lạn, vậy thì điều gì giúp dự đoán phong độ học đường của trẻ? Margherita Malanchini, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ khoa tâm lý tại Trung tâm Nghiên cứu Dân số tại Đại học Austin, cho biết:
“Khác biệt về ADN giải thích khoảng 2/3 chênh lệch trong thành tích cá nhân của trẻ em. Nhưng người ta vẫn chưa biết nhiều về việc các yếu tố này đã làm thế nào để có thể giúp một người dần dần có thành tích tốt như vậy”.
Malanchini cùng với một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ khác tại Viện Tâm thần, Tâm lý học và Khoa học Thần kinh tại King’s College London là Kaili Rimfeld, đã phân tích điểm thi của hơn 6.000 cặp sinh đôi từ tiểu học cho đến hết lớp 12. Hai nhà nghiên cứu nhận thấy thành tích giáo dục có tính ổn định cao lúc đi học. Nghĩa là hầu hết các học sinh có khởi đầu tốt khi học tiểu học sẽ tiếp tục giữ vững phong độ cho đến khi tốt nghiệp cấp 3.
Các yếu tố di truyền lý giải cho khoảng 70% phong độ ổn định này, môi trường chung sống của các cặp song sinh đóng góp khoảng 25%, và thế giới riêng của các em, như bạn bè, giáo viên, góp 5% vào phần còn lại. Các nhà nghiên cứu giải thích, như vậy không có nghĩa là một cá nhân đơn giản sinh ra đã thông minh. Ngoài vấn đề trí thông minh, gen còn giải thích khoảng 60% khả năng duy trì thành tích học tập. Malanchini giải thích:
“Thành tích học tập được một loạt các đặc điểm nhận thức và vô thức thúc đẩy. Trước đây, các nghiên cứu đã liên hệ điều này với tính cách, các vấn đề hành vi, động lực, sức khỏe và nhiều yếu tố có khả năng khác”.
Tuy nhiên, đôi khi, thành tích học tập cũng có thể thay đổi, chẳng hạn như khi chuyển cấp lên trung học cơ sở điểm số có thể sẽ tụt giảm. Hai nhà nghiên cứu cho biết, hầu như có thể giải thích rằng những thay đổi này là do các yếu tố môi trường sống riêng biệt. Rimfeld nói thêm:
“Những phát hiện của chúng tôi sẽ cung cấp thêm động lực để xác định trẻ có cần được can thiệp [vào quá trình học tập] càng sớm càng tốt hay không, vì các vấn đề có thể vẫn sẽ tồn tại trong suốt quảng đời học sinh”.
Bảo San, theo Vision Times