Tuổi thơ nhiều thế hệ trước thường gắn liền với những cánh diều, những buổi chiều nghịch ngợm bên bùn đất, đôi khi bị cha mẹ mắng vì toàn thân lấm bẩn. Nhưng chính những trò chơi ấy đã tạo nên những ký ức đẹp đẽ khó quên sau này. Không những thế gần đây, khoa học còn chứng minh rằng nghịch bùn đất có thể giúp trẻ khỏe mạnh và thông minh hơn.
Trẻ em ngày nay rất ít tiếp xúc với môi trường tự nhiên
Rất nhiều bậc cha mẹ ngày nay không cho con mình nghịch bẩn vì quá lo lắng về vấn đề vệ sinh, nghĩ rằng trẻ tiếp xúc bùn đất sẽ dẫn tới nhiễm khuẩn. Một số phụ huynh thì có thể cho rằng con mình thích chơi trong nhà hơn ngoài trời.
Dựa trên điều này, tác giả Richard Louv đã phỏng vấn khoảng 3.000 gia đình và có vài cuộc trò chuyện với trẻ sau đó. Ông kết luận rằng, những đứa trẻ ngày nay thích ở nhà giải trí bằng các thiết bị công nghệ hơn là ra ngoài vui chơi. Ông đã nói lên mối quan ngại của mình: “Con cái chúng ta và thế hệ sau nữa sẽ bị ngăn cách với thiên nhiên nhiều hơn trong quá khứ”.
Theo một nghiên cứu của Anh Quốc, hiện chỉ có 29% trẻ em được chơi ngoài trời, còn lại trẻ đều bị nhốt trong nhà hoặc chơi loanh quanh gần nhà. Cũng theo các chuyên gia nghiên cứu, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với môi trường thiên nhiên sớm để nâng cao sức khoẻ thể chất và tinh thần cho trẻ. Các chuyên gia còn khuyến khích nên để trẻ nghịch bẩn để trở nên khoẻ mạnh hơn, cha mẹ chỉ cần lưu ý chọn cho con môi trường vui chơi thích hợp và an toàn.
Lấm lem bụi bẩn không hề gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ
Trong một hội thảo chuyên đề được tổ chức bởi Bệnh viện Breach Candy (Mumbai, Ấn Độ), bác sĩ Keya Lahiri – Trưởng khoa nhi thuộc Bệnh viện Dr. D.Y. Patil, cho biết: “Cha mẹ nên cho trẻ vui chơi ngoài trời, nghịch bùn đất cũng tốt vì bùn là một phần của môi trường và nó thực sự tốt cho sức khỏe”.
Có một điều cha mẹ cần hết sức lưu ý: Với điều kiện vệ sinh càng sạch sẽ thì trẻ càng không có cơ hội tiếp xúc với các loại vi khuẩn phong phú ngoài đời sống; và điều đó làm suy yếu hệ miễn dịch, có nguy cơ dẫn tới bệnh hen suyễn và các loại bệnh khác. Do vậy, tiếp xúc ngay từ sớm với các loại vi khuẩn trong đất cát tự nhiên có thể giúp trẻ trở nên mạnh khỏe hơn và có sức đề kháng với bệnh tật.
“Nên ngưng làm hư bộ não trẻ bằng các trò chơi video hoặc trên Ipad, thay vào đó hãy cho phép trẻ chơi với đất cát, vì điều này giúp nâng cao khả năng nhận thức của não bộ ở trẻ. Các loại vi khuẩn khác nhau có trong đất giúp kích hoạt chức năng não bộ tốt hơn”, bác sĩ Keya nói thêm.
Vật nuôi cũng vậy
Kết quả công bố trên tạp chí Lâm sàng và Dị ứng Thử nghiệm cho biết, những đứa trẻ lớn lên với một con thú nuôi trong nhà sau này sẽ giảm một nửa khả năng mắc các bệnh dị ứng nghiêm trọng. Khi tiếp xúc ở mức độ vừa phải với lông vật nuôi và chất gây dị ứng khác trước một tuổi, trẻ em có xu hướng phát triển hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn. Bởi chúng luôn sống giữa nội độc tố, một loại vi khuẩn có trong bụi và môi trường sẽ giúp củng cố hệ thống miễn dịch của trẻ.
Cách hệ miễn dịch hoạt động
Theo định nghĩa được đưa ra bởi KidsHealth, hệ miễn dịch đóng vai trò bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân nguy hiểm như vi trùng và vi khuẩn để phòng bệnh. Nó thực hiện điều này bằng cách phát hiện các chất có thể gây bệnh và nhiễm trùng sau đó chiến đấu chống lại chúng.
Nhưng để có thể tiêu diệt những mầm bệnh này thành công, hệ thống cần phải thích nghi với các vi sinh vật từ bên ngoài. Khi lớn lên, sức đề kháng của trẻ đối với một số loại vi trùng trở nên tốt hơn vì bản thân trẻ đã được tiếp xúc với chúng. Khi đó hệ miễn dịch của chúng ta đã nhận biết được các tác nhân gây bệnh này và thực hiện một đợt tấn công để tiêu diệt.
Hậu quả của việc khiến trẻ tránh xa không gian mở
Khi không tiếp xúc với vi sinh vật, hệ miễn dịch của chúng ta trở nên dễ bị tổn thương hơn đối với các chất gây dị ứng, như phấn hoa hoặc lông. Richard Louv lập luận rằng việc trẻ không được tương tác với thiên nhiên sẽ hạn chế sự phát triển khả năng sáng tạo của chúng. Hơn nữa, những đứa trẻ không tiếp xúc với môi trường bên ngoài sẽ thiếu các kích thích vật lý và không có những trải nghiệm trực tiếp để cải thiện hệ miễn dịch của chúng.
Ông cũng nói thêm, các hoạt động thể chất ngoài trời mà trẻ tham gia là một biện pháp lành mạnh chống lại bệnh béo phì đang ảnh hưởng đến một số lượng lớn trẻ em. Vì thực tế hiện nay, trẻ em thường dành tất cả thời gian cho những việc riêng tư của chúng. Do đó, việc thiếu thời gian vui chơi ngoài trời là một nguy cơ đối với sức khỏe tâm sinh lý của trẻ.
Thiên Thanh (t/h)