Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc vận chuyển, mua bán, sử dụng cành đào rừng dưới mọi hình thức đều bị coi là vi phạm. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về dưới xuôi để chơi Tết.
Đây là yêu cầu do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của Bộ NN&PTNN diễn ra vào chiều qua (24/12), theo Dân Việt.
Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo: “Tôi yêu cầu tuyệt đối không được chặt cây rừng, hoa đào, các loại cây khác ở núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc”.
Thủ tướng tuyên bố ai mua bán, sử dụng, vận chuyển, tiêu thụ những cây rừng bị chặt phá như vậy là vi phạm theo đó yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải có một văn bản cá biệt để chỉ đạo vấn đề này.
“Trên các bờ đê, đường phố các cây đào rừng đẹp như vậy bị chặt về bày la liệt, bán không được thì làm củi, như vậy làm sao còn một nông thôn miền núi rừng đẹp? Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Trước yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều người băn khoăn rằng nếu cấm chặt đào rừng để bán thì sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của những người bán đào? Hay không chơi đào thì sẽ như không có Tết…
Liên quan đến vấn đề trên, báo Thời Đại nhận định rằng đào rừng thường chỉ những nơi miền Núi mới có và những người mang đào ra bán cũng chỉ là kiếm thêm chứ không được coi là nghề chính như những hộ dân trồng đào ở Nhật Tân, Lạng Giang (Bắc Giang)…
Cũng theo Thời Đại thì thực tế những vùng nhiều hoa đào rừng lại chính là những nơi thu hút rất đông khách du lịch vào những dịp Xuân về. Đó chính là một lợi thế để chính quyền và người dân bản địa tận dụng phát triển các ngành dịch vụ phục vụ du lịch.
Theo VOV, vài năm trở lại đây, người dưới xuôi ùn ùn lên các tỉnh miền núi chặt cành đào, thậm chí là cả một cây đào rừng mang về chơi tết. Người ta thể hiện độ sang, độ chịu chơi bằng việc sở hữu những cây đào, cành đào càng cổ càng quý, càng hiếm lạ càng đắt tiền.
Theo đó, nhiều người lo lắng, với tốc độ đốn hạ đào như thời gian qua, chẳng mấy lúc đào rừng sẽ tận diệt.
Vũ Tuấn (t/h)