Tinh Hoa

Nghĩ về văn hóa xếp hàng

BizLIVE – Một số người nước ngoài khi đến Việt Nam đã lắc đầu ngao ngán và khẳng định “Người Việt thích chen lấn chứ không có văn hóa xếp hàng”. Ai cũng muốn ăn thua, muốn hơn người khác từ những việc rất nhỏ nhặt. Chen lấn để giành phần hơn chỉ là biểu hiện của “chủ nghĩa anh hùng tiểu nhân”.

Ảnh minh họa. Biếm họa: LEO.

Cách đây gần chục năm, công ty MFC (Music Fan Company) đưa các nghệ sĩ Việt Nam diễn kịch nói ở New York. Cả nhóm ghé trạm nghỉ dọc đường, có siêu thị nhỏ.
Tôi và một người bạn Việt kiều vào mua ít đồ ăn. Khi bạn trả tiền, tôi chồm lên xem để còn biết cách thanh toán, liền được nhân viên thu ngân nhắc “Giữ trật tự, đứng đúng vị trí” dù trong hàng chỉ có 2 người. Hơi quê nhưng cảm nhận cái trật tự nghiêm túc của xứ người.
Tháng trước, đi nước ngoài. Đang xếp hàng dài làm thủ tục xuất cảnh thì một nhân viên biên phòng đưa cả nhóm người nhà chen vào đầu hàng, tự nhiên như “chuyện thường ngày ở huyện”. Không một lời xin phép hoặc giải thích.
Mọi người im lặng trong nhịn nhục, có lẽ vì quá quen mấy cảnh này. Bực quá, tôi nói trỏng “Bên Mỹ, tổng thống cũng phải xếp hàng”. Nhóm người nhà ưu tiên giả điếc, còn những người khác cười nhếch mép, nhìn tôi như sinh vật lạ.
Tôi nhớ, thời bao cấp, người Việt cũng biết xếp hàng. Ra Hà Nội sau năm 1975, tôi rất nể sự chịu đựng của dân Tràng An. Cái gì cũng xếp hàng. Từ việc mua hộp diêm, gói tăm đến bó rau muống và cả đi vệ sinh cho đến những việc lớn hơn.
Dân Nam bộ chỉ chịu xếp hàng khi những thứ đó bên ngoài không có. Ngược lại, thà mua đắt hơn chứ ít chịu xếp hàng. Chỉ có cảnh chen lấn khi mua vé tàu xe hoặc mua vé xem phim.
Xa rồi cái thời bao cấp, người dân đều tự giác xếp hàng.

Khi đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, chuyện xếp hàng thời bao cấp lùi vào quá khứ. Việc xếp hàng bây giờ không phải vì thiếu, vì nghèo như xưa mà do đám đông cùng có nhu cầu trong thời điểm nhất định. Lúc đó phải xếp hàng thì mới giải quyết công bằng và hợp lý mọi việc. Bằng không sẽ ùn tắc, hỗn loạn và phát sinh nhiều vấn nạn.
Vì không biết xếp hàng, ai cũng muốn giành đường nên mới xảy ra kẹt xe thường xuyên. Thiên hạ kẹt xe vì quá đông và trước sau cũng tự giải tỏa. Người Việt tự tạo ra kẹt xe do chen lấn và không có cảnh sát giao thông thì vô phương.
Chuyện xếp hàng là thước đo ý thức công dân và văn hóa ứng xử của các nước. Một số người nước ngoài khi đến Việt Nam đã lắc đầu ngao ngán và khẳng định “Người Việt thích chen lấn chứ không có văn hóa xếp hàng”. Ai cũng muốn ăn thua, muốn hơn người khác từ những việc rất nhỏ nhặt. Chen lấn để giành phần hơn chỉ là biểu hiện của “chủ nghĩa anh hùng tiểu nhân”.
Trong kinh doanh cũng vậy. Nhiều doanh nghiệp không chịu xếp hàng mà cứ “chen lấn” nhờ mối quan hệ và đồng tiền. Nạn chạy chỗ học, chạy bằng, chạy việc làm, chạy chức, chạy quyền, chạy án… cũng bắt đầu từ đó. Xã hội không hỗn loạn, đảo điên mới lạ.
Tư tưởng ăn thua cay cú từ việc nhỏ tới chuyện lớn hình như là nét tính cách chủ đạo của người Việt? Bắt đầu từ tấm bé trong mỗi gia đình, ra láng giềng rồi đến trường học và ngoài xã hội, đều không muốn xếp hàng.
Lạ là những tật xấu này chỉ có dịp thi thố trong nước. Ra nước ngoài, người Việt cũng lịch lãm, biết xếp hàng và ứng xử tương đối, chứ không tệ hại như ở nhà.
Tôi học đại học Luật Khoa Sài Gòn trước 1975. Hội trường lớn, mấy ngàn sinh viên, đa phần đi xe đạp và xe buýt. Bãi xe không cần người giữ. Các nhóm cử người thay phiên nhau đi sớm giữ chỗ. Chỉ cần bỏ cuốn tập lên ghế là có chỗ cho người sau. Tất cả sinh viên đều tôn trọng những qui định bất thành văn của giới trí thức tương lai.
“Văn hóa” xếp hàng của nhiều người Việt hiện nay khiến không ít người nước ngoài khi đến Việt Nam phải lắc đầu ngao ngán. Ảnh minh họa.
Bàn về văn hóa xếp hàng, nhiều người thường đổ lỗi do dân trí và ý thức cá nhân. Nói vậy chỉ đúng 1/3. Phần còn lại là trách nhiệm của các nhà quản lý. Văn hóa xếp hàng là ISO năng lực quản lý xã hội. Không thể kết luận người nước ngoài tốt hơn nên họ trật tự hơn. Cái chính là xã hội thông qua quản lý các cấp tạo điều kiện cho người dân xếp hàng và buộc họ phải xếp hàng.
Ban đầu là hành chánh, nâng dần lên tự giác và trở thành văn hóa ứng xử và bắt đầu từ giáo dục gia đình. Số người Việt kém ý thức và văn hóa lùn không nhiều. Nhưng do quản lý lơ là, thậm chí tiếp tay và thiếu gương mẫu nên cái xấu cứ sinh sôi. Nhiều người tốt bị lôi kéo, thành dạng lưng chừng, ba phải, a dua và thế là cá biệt trở thành phổ biến.
Muốn phục hồi lại văn hóa xếp hàng của người Việt không khó. Đầu tiên là thay đổi tư duy quản lý. Lãnh đạo càng cao, càng phải gương mẫu xếp hàng từ việc nhỏ nhất. Lãnh đạo không thể đứng trên pháp luật và ngoài cuộc sống. Xã hội nào cũng vậy “Thượng bất chính” thì “Hạ tắc loạn” là đương nhiên.
Nhiệm vụ của nhà quản lý các cấp là phải tạo cho công dân chỗ xếp hàng. Có thể dùng dây thừng để cơ động. Hoặc dùng vạch vôi giới hạn. Chuyên nghiệp hơn thì dùng thanh nhôm.
Chỗ nào đám đông có nhu cầu, chỗ đó phải có chỗ xếp hàng. Ban đầu thì tăng cường thêm người nhắc nhở. Ai chen lấn, vượt rào thì bị cảnh cáo và phải trở lại vị trí sau cùng. Thậm chí xử phạt theo qui định.
Nếu quyết tâm, làm đồng bộ, chỉ cần 1 năm là thay đổi thực trạng, phục hồi được nét đẹp văn hóa xếp hàng của người Việt.
Về tác giả: Ông Nguyễn Văn Mỹ hiện là Tổng giám đốc Công ty Lửa Việt, từng viết cho nhiều tờ báo lớn như Tuổi trẻ, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Doanh nhân Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị và BizLIVE…

NGUYỄN VĂN MỸ

Tin liên quan [Ảnh] Người dân TP.HCM xếp hàng chờ mua vàng ngày Thần tài Đại gia “xếp hàng” mua cảng biển Xếp hàng như thời bao cấp mua giò chả Tết
Cùng dòng sự kiện

Theo BizLive