Sau tiết lộ bị bắt cóc của quản lý nhà sách Causeway Bay, một nghị sỹ Hong Kong nói Bắc Kinh có hành xử chính trị như côn đồ và yêu cầu chính quyền Trung Quốc cần phải tôn trọng luật pháp hơn, tờ Guardian cho biết.
Trong cuộc họp báo tối 16/6, Lam Wing-kee, 1 trong 5 nhân viên nhà sách ở Hong Kong mất tích bí ẩn hồi tháng 10/2015, tiết lộ những tình tiết chấn động liên quan tới việc ông bị lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc bắt cóc.
Người quản lý nhà sách Causeway Bay 61 tuổi cho biết, sau khi bị một nhóm người ập tới bắt giữ tại Trung Quốc vào tháng 10/2015, ông bị giam giữ nhiều tháng trời tại một biệt khám chật chội.
“Họ bịt mắt tôi, chụp một chiếc mũ lên đầu và gần như trùm kín cả người tôi”, ông Lam chia sẻ với báo giới. Ông Lam còn tố cáo các mật vụ Trung Quốc buộc ông phải thú nhận những tội lỗi ông không hề vi phạm trong thời gian giam giữ.
Ông Lam cho biết, sở dĩ ông quyết định nói ra sự thật là vì có hàng ngàn người biểu tình đã đổ ra đường phố Hong Kong để phản đối sự mất tích bí ẩn của các nhân viên nhà sách. “Người Hong Kong sẽ không bao giờ khuất phục trước sức mạnh hung bạo”, ông nói.
Nhà sách Causeway Bay, trực thuộc Nhà xuất bản Mighty Current, chuyên bán các sách về đời tư và những lời đồn xung quanh giới lãnh đạo Trung Quốc.
Quyết định công khai sự thật bất ngờ của ông Lam thổi bùng lên những giận dữ vốn ngấm ngầm lâu nay về thực tiễn chính quyền Bắc Kinh liên tục có những hành vi trấn áp với các nhà sách chuyên phát hành ấn bản nói về đời tư của các lãnh đạo Trung Quốc.
Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi Trung Quốc hãy “chấm dứt những lời dối trá” về vụ bê bối liên quan tới người quản lý nhà sách sau tiết lộ của ông Lam.
Bà Mabel Au, giám đốc chi nhánh của Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Hong Kong cho rằng, những sự thật do ông Lam công bố cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc rõ ràng có những tính toán trong việc bịt miệng các nhà sách.
“Chính quyền Trung Quốc phải thừa nhận sự thật này”, bà Au nói.
Ngày 17/6, khi những người biểu tình Hong Kong lại bắt đầu đổ ra đường, giới chính khách ủng hộ dân chủ kêu gọi mọi người tiếp tục tham gia phong trào biểu tình phản đối.
Bà Claudia Mo, một nghị sỹ thuộc đảng Công dân cho rằng, những tố cáo chấn động như “bom nổ” của ông Lam cho thấy nền tự trị của Hong Kong đang có nguy cơ bị đe dọa.
Bà nói: “Đây không chỉ là một vụ bắt giữ thông thường. Đây là một vụ bắt cóc của nhà cầm quyền Bắc Kinh theo đúng nghĩa đen. Họ hành xử như kẻ côn đồ… Họ thực sự là những kẻ côn đồ chính trị. Họ cư xử như những gangster… và điều này thật đáng lo ngại. Chuyện gì sẽ xảy ra với những nguyên tắc và giá trị cơ bản mà chúng ta chờ đợi từ chính quyền đại lục?”.
Trong khi đó, bà Emily Lau, chủ tịch đảng Dân chủ Hong Kong cho rằng, hành vi bắt cóc của chính quyền Trung Quốc với quản lý nhà sách là “rất dã man và hoàn toàn không thể chấp nhận”.
Bà Lau cũng nói các tiết lộ của ông Lam cho thấy Trung Quốc là một nơi “hoàn toàn không có luật pháp”.
Chủ tịch đảng Dân chủ còn nói rằng: “Nếu chính phủ Trung Quốc muốn gia nhập cộng đồng thế giới với tư cách là một thành viên được tôn trọng, họ phải hành xử theo một cách khác. Nếu không họ sẽ chỉ chuốc vào mình những sự xem thường”.
Theo đó bà Lau nói: “Chính quyền Bắc Kinh cần phải lên án những hành vi như vậy và cam đoan với thế giới không để chuyện đó tái diễn… Họ phải tôn trọng luật pháp và tôn trọng quyền của mỗi người”.
Theo Tuổi Trẻ