Các nghị sĩ quốc hội Mỹ, các nhà vận động nhân quyền và hàng ngàn người khác đã tham gia vào buổi tập trung tại Đồi Capitol trước Tòa nhà Quốc hội Mỹ để kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp tín ngưỡng đã kéo dài tới 20 năm ở Trung Quốc.
Epoch Times đưa tin, bất chấp cái nóng nghẹt thở của mùa hè, khoảng 2.000 người đã tập trung tại Đồi Capitol vào ngày 18/7 để kêu gọi kết thúc cuộc đàn áp đối với môn thực hành tín ngưỡng Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Ngày 20/7 sắp tới đánh dấu 20 năm Chế độ Cộng sản Trung Quốc thực hiện chiến dịch bức hại dồn dập nhằm xóa sổ Pháp Luân Công, một môn thực hành thiền định cổ của Trung Quốc. Vào năm 1999, các số liệu ước tính chính thức của chính phủ Trung Quốc công bố con số người theo môn tập này lên đến từ 70 triệu đến 100 triệu người.
Từ đó, vô số học viên Pháp Luân Công bị bắt tống vào tù, trại lao động và trung tâm tẩy não cũng như các trại tập trung khác trên khắp Trung Quốc. Tại những nơi này, rất nhiều người đã bị tra tấn để ép buộc họ từ bỏ tín ngưỡng của mình. Ở bất kỳ một thời điểm nào đều có có từ 450.000 đến 1 triệu học viên bị Bắc Kinh cầm tù, theo ước tính của Trung Tâm Thông tin Pháp luân Đại Pháp.
Kể từ năm 2.000 đến nay, mỗi năm các học viên Pháp Luân Công trên khắp thế giới đều tụ tập về thủ đô Hoa Kỳ để tưởng niệm và kêu gọi sự chú ý của thế giới về cuộc đàn áp vô nhân đạo này vẫn đang diễn ra một cách bí mật ở Trung Quốc.
“Tôi đã tự hỏi, bao nhiêu năm là đủ?” Alan Adler, giám đốc điều hành của tổ chức Friends of Falun Gong và chủ tọa buổi tập trung tại Bãi cỏ Tây Đồi Capitol nói hôm 19/7. “Đã đủ thời gian để người dân thế giới rũ bỏ những nghi ngờ, để vượt khỏi cú sốc và nỗi kinh hoàng và thực sự làm điều gì đó chưa? Bao nhiêu năm khủng bố và tàn bạo mới đủ?”
Dân biểu Mỹ Steve Chabot từ bang Ohio cũng phát biểu tại sự kiện. Ông lên án chế độ Trung Quốc vì đã khởi động một cuộc đàn áp “thực sự dã man”.
“Việc cầm tù, cải tạo, tẩy não sai trái, thực sự là tra tấn và hành vi thu hoạch nội tạng cưỡng bức là các công cụ họ sử dụng để bóp nghẹt tiếng nói [các học viên Pháp Luân Công]”, ông Chabot nói.
Dân biểu Mỹ cam kết chừng nào ông còn tại nhiệm, ông sẽ đấu tranh cho quyền của người tập Pháp Luân Công được tự do thực hành niềm tin của mình ở Trung Quốc.
Thu hoạch nội tạng
Benedict Rogers, nhà hoạt động nhân quyền Anh Quốc và là người phụ trách khu vực Đông Á của tổ chức Christian Solidarity Worldwide (Cơ Đốc giáo đoàn kết toàn thế giới) kêu gọi chấm dứt việc mổ cướp nội tạng từ những học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ ở Trung Quốc.
Năm 2006, Epoch Times đã đăng những bài viết vạch trần việc chính quyền Trung Quốc giết hại tù nhân lương tâm, hầu hết là học viên Pháp Luân Công, bằng việc mổ lấy nội tạng của họ phục vụ các ca ghép tạng. Những cáo buộc này đã được xác nhận bởi các nhà điều tra độc lập trong một báo cáo năm 2006 và được bổ sung bằng các báo cáo các năm sau, trong đó có một báo cáo chi tiết năm 2016. Bản báo cáo công phu này đã vẽ ra bức tranh rõ ràng về các hành vi lạm dụng nhân mạng quy mô lớn của Bắc Kinh.
Tháng trước, một tòa án độc lập quốc tế sau một năm điều tra đã kết luận rằng hành vi thu hoạch nội tạng cưỡng bức thực sự đã xảy ra ở Trung Quốc trong nhiều năm và “trên một quy mô đáng kể”. Thẩm phán của tòa án tuyên bố rằng các học viên Pháp Luân Công có thể là nguồn cung nội tạng chính của Bắc Kinh.
Ông Rogers thúc giục các chính phủ trên thế giới cần nghiêm túc nhìn nhận phán quyết của tòa án độc lập.
“Đã đến lúc đứng lên chống lại nhà nước tội phạm của Đảng cộng sản Trung Quốc”, Rogers nói.
David Kilgour, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Canada (khu vực Châu Á – Thái Bình Dương), người đã tiến hành cuộc điều tra về hoạt động mổ cướp tạng ở Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua và là đồng tác giả của nhiều báo cáo về vấn đề này, đã nói với phóng viên rằng hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc là tội ác chống nhân loại.
“Nó có thể so sánh với Cuộc Thảm sát người Do Thái”, Kilgour nói.
Có mặt cùng với các ông Chabot, Rogers và Kilgour tại sự kiện này bao gồm: Dân biểu Mỹ Sheila Jackson Lee; Gayle Manchin của Ủy ban Tự do Tín Ngưỡng; Annie Boyajian của Ngôi nhà Tự do; Marion Smith của Tổ chức Tưởng nhớ nạn nhân cộng sản; Faith McDonnell của Chương trình Tự do Tín ngưỡng; Matias Perttula của tổ chức International Christian Concern cùng hàng loạt giới chức, người hoạt động nhân quyền và các tổ chức có cùng quan tâm đến cuộc đàn áp nhân quyền này.
Cuộc đàn áp ngày càng bị vạch trần
Những diễn giả của sự kiện đã chỉ ra rằng công chúng thế giới ngày càng quan tâm tới cuộc đàn áp nhân quyền của chính quyền Trung Quốc, một phần nhờ vào các nỗ lực thúc đẩy tự do tôn giáo của chính quyền Tổng thống Trump.
Hồi tháng 6, Bộ Trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, vào ngày công bố báo cáo tự do tín ngưỡng toàn cầu hằng năm đã lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc vì sự “thù địch cực đoan đối với toàn bộ tín ngưỡng tôn giáo kể từ ngày thành lập”.
Đại sứ Đặc nhiệm Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback đã liên tục tố cáo chính quyền Trung Quốc vì đã tiến hành “chiến tranh tín ngưỡng” và cam kết rằng Hoa Kỳ “sẽ không dừng lại cho đến khi chứng kiến tấm màn sắt bao phủ tự do tôn giáo được gỡ bỏ”.
Trong vòng 3 ngày qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chủ tọa Hội nghị Quốc tế cấp Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do tôn giáo tại Washington, hội nghị lớn nhất vì mục đích này trên thế giới.
Ngày 17/7, Tổng thống Trump đã gặp một học viên Pháp Luân Công, người đã bị cầm tù và tra tấn ở Trung Quốc, cùng với 26 nạn nhân đàn áp nhân quyền khác từ 17 quốc gia trên thế giới. Sự kiện được tổ chức để tái xác nhận cam kết của chính quyền Trump đối với tự do tôn giáo, theo thông báo từ Tòa Bạch Ốc.
Ngoại trưởng Pompeo trong khi phát biểu tại hội nghị bộ trưởng hôm 18/7, đã tố cáo chính quyền Trung Quốc về các tội ác chống lại tín đồ tôn giáo.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc đòi hỏi kiểm soát đối với sinh mệnh của người dân Trung Quốc và cả linh hồn của họ”, ông nói.
Tại sự kiện, ông Pompeo cũng đề cập đến trường hợp học viên Pháp Luân Công Chen Huixia. Hồi tháng 9 năm ngoái, bà bị Trung Quốc tuyên án 3 năm rưỡi tù giam chỉ vì thực hành đức tin.
Về vấn đề thu hoạch nội tạng, ông Kilgour cho rằng các tiếng nói yêu cầu Trung Quốc thay đổi đang ngày càng lớn mạnh, đặc biệt sau khi có phán quyết của tòa độc lập vào tháng trước.
Ông nói gần đây ông được biết có một tỉnh ở Canada, được thúc đẩy bởi phán quyết của tòa đã dự định sẽ đưa ra một điều luật cấm du lịch ghép tạng tới Trung Quốc.
Một số nhân vật tại buổi tập trung cũng kêu gọi chính phủ Mỹ áp đặt chế tài dựa trên Đạo luật nhân quyền Magnitsky toàn cầu đối với các quan chức Trung Quốc có liên quan trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Đạo luật này cho phép chính phủ Mỹ trừng phạt những kẻ bức hại nhân quyền bằng cách cấm họ tới Mỹ, đóng băng tài sản của họ ở Mỹ và cấm làm ăn với các doanh nghiệp của Mỹ.
Ông Chabot nói với các phóng viên tại buổi tập trung rằng giới chức Trung Quốc ở mọi cấp độ đều phải chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm quyền con người.
Để kết thúc cuộc đàn áp, các chế tài và chính sách cấm visa đối với các quan chức này cần được chính phủ cân nhắc, ông Chabot nói.
“Những ngày địa ngục”
Với những khẩu hiệu nổi bật sắc màu trên tay, các học viên Pháp Luân Công mặc áo vàng, xếp thành hàng và bộ hành từ Đồi Capitol tới Đài tưởng niệm Washington, nơi họ sẽ tổ chức đốt nến để tưởng nhớ về các nạn nhân của cuộc đàn áp vào tối nay.
Một trong số những người tham gia là Li Shuyin. Học viên Pháp Luân Công đến từ Trung Quốc. Bà cầm một tấm biểu ngữ kêu gọi thả 21 học viên tại quê nhà tỉnh Liêu Ninh, trong số đó có những người mới bị bắt từ 1/7.
Mắt của Li đỏ lên khi bà kể lại chuyện gia đình bà bị chính quyền Trung Quốc bức hại. Người mẹ gần 70 tuổi của bà đã chết do bị sốc khi Trung Quốc xông vào nhà bà giữa đêm tuyết rơi và bắt bà đem tới trung tâm giam giữ vào năm 2013. Bà nói rằng 2 học viên khác sống gần nhà bà đã chết vì tra tấn, trong khi nhiều người khác đã rời khỏi Trung Quốc giống như bà.
Wang Shaohua, học viên Pháp Luân Công tại Mỹ, đến từ Trung Quốc đại lục, nói rằng bà muốn ở đây để đại diện cho tất cả những học viên Trung Quốc không có cơ hội được cất tiếng nói.
Bà nói rằng bất cứ tin tức nào nhận được từ cộng đồng quốc tế về nỗ lực chấm dứt cuộc bức hại đều là niềm khích lệ động viên đối với các học viên Trung Quốc.
“Họ nói với tôi rằng họ đã rơi nước mắt khi đọc được những thông điệp của chúng tôi”, bà nói.
Bà Wang phải chịu đựng tra tấn tại một trại lao động ở Trung Quốc năm 2011. Sau khi được thả, bà đã tìm cách trốn tới Mỹ năm 2013. Bà nói mỗi ngày trong trại lao động là một ngày bà phải đối mặt với tình huống sống chết.
Điều đầu tiên mà bảo vệ trại lao động hỏi bà mỗi buổi sáng là bà có chịu từ bỏ đức tin hay không. Nếu bà từ chối, họ sẽ không cho bà ngủ.
Để trả thù sự “cứng đầu” của bà, bảo vệ bắt bà ngồi im trên một chiếc ghế nhựa nhỏ từ sáng đến tối. Trung bình bà chỉ được ngủ 2 tiếng một ngày trong suốt 7 tháng.
“Mỗi giây ở đó dài như một năm ở bên ngoài”, bà Wang nói.
“Họ nói họ muốn hủy hoại thân thể chúng tôi, và đó chính xác là những gì họ đã làm”.
Bảo vệ cũng cấm bà Wang sử dụng nhà vệ sinh, khiến bụng bà chướng lên và chảy máu khi đi tiểu. Do bị ép ngồi trên ghế thấp ở thời gian dài, xương hông của bà lồi ra và phần da ở hông biến thành màu đen. Cái ghế nhựa trở thành “lưỡi dao cắt vào da tôi”, bà nói.
Thậm chí chỉ đứng dậy một lúc trong giờ ăn cũng khiến bà thấy như tra tấn. “Cảm thấy như cơ thể tôi rời ra thành từng mảnh” bà Wang nói.
Năm 2012, bà Wang bị chuyển đến một trại lao động khác ở Nội Mông, nơi bà còn phải chịu tra tấn dã man hơn. Bà bị chích điện bằng dùi cui điện 900 volt, nhốt trong phòng biệt giam và chân tay bà bị trói vào 4 góc giường ngủ trong thời gian dài.
Nhưng bất chấp bị ngược đãi, bà Wang và những học viên bị giam cầm khác vẫn đối xử với quản ngục và bảo vệ ở đây bằng sự lương thiện. Tới khi bà Wang được thả, bà và các bạn của bà đã thuyết phục được hơn 160 bảo vệ và những người cùng bị giam giữ khác thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.
Sau khi được thả, năm 2013 bà Wang đã tới Mỹ bằng visa du lịch. Từ đó, bà thường xuyên tới nói với khách du lịch Trung Quốc về cuộc đàn áp tồi tệ mà đang bị chính quyền Trung Quốc bưng bít.
Rất nhiều người Trung Quốc bà gặp không biết gì về cuộc đàn áp này, do hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ của đảng. Họ thường tỏ ra kinh ngạc và bị sốc khi nhìn thấy những vết sẹo do tra tấn của bà, bà nói.
Nói về sự thật cho người Trung Quốc là cách mà bà Wang thể hiện sự trân trọng của bà đối với tự do khi ở Mỹ.
“Đó là sự tiếp tục của một cuộc đời mới”, bà Wang nói.
Theo Epoch Times