Tinh Hoa

Nghi phạm Triều Tiên ám sát Kim Jong-nam cố thủ ở đại sứ quán

Malaysia đang gặp trở ngại lớn trong việc điều tra cái chết của Kim Jong-nam vì 2 nghi phạm người Triều Tiên kiên quyết cố thủ bên trong đại sứ quán nước này ở Kuala Lumpur, nơi họ được bảo vệ ngoại giao.

af-composite-kim-jong-nam-v2
Nghi phạm quan chức ngoại giao Hyon Kwang Song (trái), và Kim Uk Il (phải). (Ảnh: Sun)

Hơn nửa tháng qua, đại sứ quán Triều Tiên ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur trở thành tâm điểm trong cuộc điều tra vụ ám sát một người đàn ông được cho là Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un. Đáng chú ý, 2 người bị cáo buộc tham gia vào âm mưu này đang cố thủ bên trong sứ quán và từ chối hợp tác với nhà điều tra sở tại.

Một trong 2 người là ông Hyon Kwang-song, bí thư thứ 2 tại đại sứ quán và được quyền miễn trừ ngoại giao nên ông ta không thể bị cảnh sát địa phương bắt giữ.

Người còn lại là Kim Uk-il, nhân viên hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo. Tuy không được hưởng quyền miễn trừ, Kim vẫn được an toàn chừng nào ông còn ở bên trong khuôn viên của đại sứ quán.

Công ước Vienna năm 1961 cho phép các nhà ngoại giao và đại sứ quán được hưởng quy chế về bảo vệ đặc biệt trong khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, những năm gần đây, quyền lợi này đang bị lạm dụng bởi cả những quan chức và công dân để trốn tránh truy tố cho các vụ án nghiêm trọng phi ngoại giao.

Tòa đại sứ được xem là vùng đất có chủ quyền của quốc gia đó nên chính quyền địa phương không thể tùy tiện xông vào. Nếu hành động bất cẩn mà không có sự đồng thuận thì đó sẽ là sự phá vỡ nguyên tắc ngoại giao quan trọng“, Luật sư Sivananthan Nithyanantham, cố vấn tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở Hà Lan, nói với New York Times.

Những cách bắt nghi phạm

Nhiều nhà quan sát tin rằng Malaysia không có nhiều điều để mất nếu quyết tâm xử lý mạnh tay với Triều Tiên. Khoảng 1.000 người Triều Tiên đang sống và làm việc tại Malaysia. Đất nước Đông Nam Á này là cửa ngõ hiếm hoi để Triều Tiên tiếp cận với thị trường toàn cầu và hệ thống ngân hàng thế giới.

Về phần mình, người dân Malaysia có thể đến Triều Tiên mà không cần xin thị thực, nhưng trên thực tế, họ không có nhiều động cơ hoặc lý do để đến quốc gia này. Do vậy, giới quan sát cho rằng đây là một mối quan hệ không cân bằng.

Chúng ta cần suy nghĩ kỹ lưỡng về việc để cho họ (người Triều Tiên) đến nước mình một cách dễ dàng“, ông Oh Ei Sun, cựu thư ký của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, nói.

Đối với Kim Uk-il, nghi phạm này chắc chắn sẽ bị bắt nếu ông ta rời khỏi khuôn viên đại sứ quán; hoặc trong trường hợp nghiêm trọng hơn là nếu Malaysia và Triều Tiên cắt đứt quan hệ ngoại giao, qua đó phủ nhận sự hiện diện của đại sứ quán và buộc đóng cửa cơ ngơi này.

Dennis Ignatius, cựu đại sứ Malaysia tại một số nước phương Tây, kêu gọi chính phủ mạnh tay hơn trong vụ việc. Ông thậm chí đề xuất cần trục xuất đại sứ Triều Tiên, hủy bỏ thị thực của những người Triều Tiên đang ở Malaysia và đóng cửa sứ quán nước này ở Bình Nhưỡng. Kuala Lumpur hiện đã triệu hồi đại sứ về nước để tham vấn.

Theo Công ước Vienna, các quốc gia cũng có thể tuyên bố một nhà ngoại giao trở thành “người không được chào đón”. Các nguồn tin cho rằng, Malaysia đang cân nhắc áp dụng điều này với nghi phạm Hyon Kwang-song và đại sứ Kang Chol. Ông Kang từng cáo buộc Malaysia thông đồng với Hàn Quốc dựng lên vụ ám sát này.

Theo Zing