Tinh Hoa

Ngày thế giới phòng chống AIDS (1/12): Những con số vẫn âm thầm gia tăng

Theo số liệu thống kê của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), hiện trên thế giới có khoảng 35 triệu người sống chung với virus HIV. Riêng năm 2013, có tới 2,1 triệu ca nhiễm HIV mới, trong đó có 240.000 trẻ em và 1,5 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS.

Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bị bệnh AIDS. (Ảnh: Internet)

“Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” được nghĩ ra lần đầu vào tháng 8/1987 bởi hai nhà báo đồng thời là hai viên chức thông tin đại chúng cho “Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS” của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ là James W. Bunn và Thomas Netter.

Sau đó James và Netter đã nêu ý kiến của họ cho ông Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS (nay gọi là Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS). Ông Mann thích sáng kiến này, chấp thuận và đồng ý việc tổ chức “Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” đầu tiên vào ngày 1/12/1988.

Mỗi năm Ban Chỉ đạo toàn cầu của Chiến dịch thế giới phòng chống bệnh AIDS lưa chọn một chủ đề cho Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS, sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi với những cá nhân, tổ chức và cơ quan chính phủ tham gia trong công tác phòng chống và điều trị HIV/AIDS.

Tối 27/11 vừa qua, lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS (10/11-11/12) và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) diễn ra tại công viên Lê Thị Riêng, TP.HCM đã thu hút hơn 1.000 người tham dự.

Trong buổi mít tinh về ngày này tại Hải Dương vào ngày 26/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, sau 35 năm đến nay, trên thế giới có khoảng 37,6 triệu người chết vì căn bệnh này, và hiện nay có khoảng 35 triệu người đang mang bệnh vẫn còn sống. Tại Việt Nam, căn bệnh HIV/AIDS được phát hiện cách đây 25 năm, đến nay đã có khoảng 250.000 người nhiễm bệnh, trong số đó có khoảng 92.000 người chết vì HIV/AIDS.

Theo số liệu thống kê của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), hiện trên thế giới có khoảng 35 triệu người sống chung với virus HIV. Riêng năm 2013, có tới 2,1 triệu ca nhiễm HIV mới, trong đó có 240.000 trẻ em và 1,5 triệu người tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS.

Theo số liệu thống kê của Cục phòng chống HIV/AIDS trực thuộc Bộ Y tế, tính đến tháng 1/2016 trên cả nước số người nhiễm HIV là: 254.000 người.

Theo VTV, mỗi năm Việt Nam phát hiện trên 12.000 người nhiễm HIV, đứng thứ 5 trong số các quốc gia có nhiều người nhiễm HIV ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Và theo dự báo, nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu, thì đến năm 2020, số người lây nhiễm HIV/AIDS có thể lên đến 700.000 người… Cứ mỗi ngày trôi qua trên đất nước Việt Nam, lại có thêm 100 người phải sống chung với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị căn bệnh thế kỷ này.

Nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2016, WHO quyết tâm thúc đẩy những chính sách xét nghiệm HIV mới và kêu gọi các quốc gia, cộng đồng triển khai các dịch vụ phòng chống tác động cao, nhanh chóng tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng điều trị, giải quyết những cách biệt về địa lý và không bỏ xót bất cứ người bệnh nào.

Hưởng ứng phong trào phòng chống HIV. (Ảnh: Internet)

I. HIV/AIDS LÀ GÌ ?

HIV là chữ viết tắt của loại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người.

AIDS là chữ viết tắt của hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Trong giai đoạn này, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên người bệnh dễ mắc các bệnh như: nhiễm khuẩn, ung thư…

II. TRIỆU CHỨNG.

Có 4 giai đoạn nhiễm HIV.

1. Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ): thời gian kéo dài từ 2 đến 6 tháng, cơ thể hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính (vì thế trong giai đoạn này dễ lây bệnh cho người khác nếu quan hệ tình dục không an toàn).

2. Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng: Thời gian từ 5 đến 7 năm, cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Xét nghiệm cho kết quả dương tính.

3. Giai đoạn cận AIDS: Vẫn không có biểu hiện đặc trưng, xét nghiệm cho kết quả dương tính.

4. Giai đoạn AIDS: có các triệu chứng sau:

– Gầy sút (giảm trên 10% trọng lượng cơ thể ).

– Sốt, tiêu chảy, ho kéo dài trên 1 tháng.

– Xuất hiện nhiều bệnh như: ung thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân.

– Người bệnh nhanh chóng tử vong tùy theo điều kiện chăm sóc và điều trị.

III – CÁC CON ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN HIV.

Có 3 con đường lây truyền HIV.

1. Tình dục.

Virus HIV có rất nhiều trong chất dịch sinh dục của người bị nhiễm. Do vậy, virus HIV có thể xâm nhập vào máu bạn tình thông qua cơ quan sinh dục. Việc sinh hoạt tình dục dù có giao hợp hay chỉ tiếp xúc cơ quan sinh dục đều có khả năng bị lây nhiễm.

2. Đường máu.

HIV có rất nhiều trong máu người nhiễm. Do vậy việc dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ y tế không qua tiệt trùng với người nhiễm HIV, hay truyền máu của người nhiễm HIV đều có thể bị lây nhiễm HIV.

Riêng về ma túy, bản thân nó không sinh ra HIV nhưng người nghiện ma túy dễ dàng bị lây nhiễm HIV khi dùng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện hoặc bơm kim tiêm tại tụ điểm bán thuốc.

3. Từ mẹ sang con.

Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ những người mẹ bị nhiễm HIV là 25-30%. HIV có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai khi bé trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh hoặc qua sữa mẹ khi cho con bú. Trẻ sơ sinh nhiễm HIV thường không sống được quá 3 năm.

IV. CÁCH PHÒNG TRÁNH.

Dựa vào đường lây nhiễm HIV, có các biện pháp phòng sau:

1. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục.

– Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng và cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV. Không quan hệ tình dục bừa bãi.

– Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.

– Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV.

2. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu.

– Không tiêm chích ma túy.

– Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.

– Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu…

– Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV.

– Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,…

3. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con.

– Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%.

– Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.

– Sau khi sinh nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ.

Chúc Di (t/h)