Tinh Hoa

Ngày mai, sẽ chấm dứt tình trạng người thuê trọ trả tiền điện cao ngất

Ngày mai (26/10), người thuê nhà, người ở trọ sẽ không phải đóng tiền điện giá cao gấp 2-3 lần giá điện bán lẻ từ chủ nhà trọ. Đó là tin vui của hàng triệu người hiện nay khi đang è lưng chịu từ chủ nhà.

Nhân viên Điện lực Biên Hoà, Đồng Nai hướng dẫn cách tính tiền điện mới cho khách hàng. (Ảnh: Đình Tuyển)

Ngày 26/10, Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 trước đó, quy định về thực hiện giá bán điện sẽ chính thức có hiệu lực. Đây được xem là chính sách mới giúp những đối tượng ở nhà thuê giảm đáng kể chi phí tiền điện sinh hoạt.

Giá điện quá chênh lệch

Hiện ở TP.HCM, giá điện trung bình tại các nhà trọ khoảng 3.500 – 4.500 đồng/kWh, ở Hà Nội là 4.000 – 5.000đồng/kWh; các thành phố khác như Cần Thơ, Đà Nẵng cũng từ 3.000 – 3.500 đồng/kWh. Giá điện này được chủ cho thuê nhà hay cho thuê phòng trọ thu gồm tiền điện cộng với tổn thất, chi phí chiếu sáng và dùng chung.

“Vợ chồng tôi mỗi tháng sử dụng khoảng 150kWh điện, bà chủ tính giá đến 4.000 đồng/kWh tức hết 600.000 đồng. Trong khi đó nếu được tính giá điện sinh hoạt như bình thường thì tôi chỉ tốn hơn 270.000 đồng”, anh Lê Tình (31 tuổi, ở trọ tại P.Định Công, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.

Tương tự, vợ chồng anh Nguyễn Đình Sơn (34 tuổi, thuê nhà trọ ở Q.12, TP.HCM) cho hay: “Nhà tôi sử dụng 1 tủ lạnh, 2 quạt, 1 ti vi, 3 đèn tiết kiệm điện, 1 nồi cơm điện, 1 laptop mà tháng nào cũng ngốn từ 200 – 250kWh. Với giá điện đóng cho chủ nhà trọ là 3.500 đồng/kWh, tháng nào cũng trả 700.000 – 875.000 đồng”.

Những người thuê trọ phải trả chi phí tiền điện cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện theo quy định hiện hành. (Ảnh: internet)

Giá điện những người thuê nhà, thuê phòng trọ như anh Tình, anh Sơn phải đóng hiện rất phổ biến. Mức giá này cao hơn rất nhiều so với gia bán lẻ điện sinh hoạt theo quy định.

Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện được chia làm 6 bậc thang. Bậc 1: từ 0 – 50kWh, khách hàng trả 1.549 đồng/kWh; Bậc 2: từ 51 – 100kWh trả 1.600 đồng/kWh; Bậc 3: từ 101 – 200kWh trả 1.858 đồng/kWh; Bậc 4: từ 201 – 300kWh trả 2.340; Bậc 5: từ 301 – 400kWh trả 2.615 đồng/kWh; Bậc 6: từ 401kWh trở lên trả 2.701 đồng/kWh. Điều này có nghĩa là cứ số lượng điện tiêu thụ càng cao thì giá bán sẽ càng tăng theo từng bậc.

Tính tiền điện như thế nào?

Trả lời PV về những điểm mới của Thông tư 25, phía đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trước hết là sửa đổi “trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà” (bên thuê nhà không phải là hộ gia đình).

Theo đó, thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người áp dụng định mức sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện theo bậc thang thứ 3 (Bậc 3: cho kWh từ 101 – 200 giá bán lẻ 1.858 đồng/kWh + thuế GTGT) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ. Trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà) và trả tiền điện như một hộ khách hàng bình thường.

Đặc biệt, đối với những khu nhà trọ, nhiều người thuê nhưng không cùng gia đình vẫn có cách tính mới được xem là có lợi cho người thuê và người cho thuê. Trong trường hợp này, chủ nhà cho thuê trọ cần kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào chứng từ xác nhận tạm trú.

Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện. Điều này cũng có nghĩa 1 người được tính ¼ định mức, 2 người được tính là ½ định mức, 3 người được tính là ¾ định mức.

Cách tính tiền điện mới theo Thông tư 25 sẽ mang lại lợi ích cho những người thuê nhà, thuê trọ. (Ảnh: Đình Tuyển)

Ví dụ một chủ nhà trọ có 3 phòng cho thuê, số người thuê là 10 người, thì được cấp định mức cho 2,5 hộ. Giả sử điện năng tiêu thụ trong tháng cả nhà trọ là 550 kwh.

Tiền điện chủ nhà cho thuê phải thanh toán sẽ tính theo cách là: 125kwh đầu tiên (bậc 1): 50 kwh x 2,5 hộ x 1.549 đồng/kwh = 193.625 đồng; 125kwh tiếp theo (bậc 2): 50 kwh x 2,5 hộ x 1.600 đồng/kwh = 200.000 đồng; 250kwh tiếp theo (bậc 3): 100 kwh x 2,5 hộ x 1.858 đồng/kwh = 464.500 đồng; 50kwh tiếp theo (bậc 4): 50 kwh x 2.340 đồng/kwh = 117.000 đồng. Tổng cộng = 975.125 đồng + Thuế GTGT là 1.072.637 đồng.

Còn với người ở trọ ví dụ 4 người/phòng (tương đương 1 hộ), tiêu thụ 250kWh/tháng. Cách tính sẽ là: 50 kWh trong khoảng từ 0 – 50kWh (bậc 1) x 1.549 đồng/kWh = 77.450 đồng; 50kWh tiếp theo trong khoảng từ 51 – 100kWh (bậc 2) x 1.600 đồng/kWh = 80.000 đồng; 100 kWh tiếp theo trong khoảng từ 101 – 200kWh (bậc 3) x 1.858 đồng/kWh = 185.800; 50kWh tiếp trong khoảng từ 201 – 300kWh (bậc 4) x 2.340 đồng/kWh = 117.000 đồng. Tổng cộng số tiền phòng trọ này đóng cho chủ nhà là 460.250 + Thuế GTGT = 506.275 đồng cho 250kWh.

Cách tính này mang lại lợi ích cho cả người thuê trọ và chủ nhà. Bởi nếu chủ nhà cho thuê chỉ tính một công tơ tổng (1 định mức) thì số lượng điện tính tiền ở bậc cao sẽ lớn và chi phí cao. Còn chủ nhà kê khai số người để được tính theo nhiều định mức, số lượng điện sẽ được phân bổ và tính theo từng bậc từ thấp tới cao theo từng định mức.

Lo giá thuê nhà “leo thang”

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, khẳng định: “Với thông tư 25, người thuê nhà được hưởng giá điện ở đúng mức Nhà nước quy định”.

Tuy nhiên, thực tế người thuê nhà đang đón nhận quy định giá điện mới trên khá dè dặt. Còn người chủ cho thuê nhà, thuê trọ cũng đang phải tính toán để tránh ôm bất lợi.

Chị Trần Thúy My (ở trọ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Mới nghe nói giá điện sắp giảm, chưa kịp mừng thì hôm qua, chủ nhà trọ đã thông báo, giá thuê phòng sẽ tăng 300.000 đồng/tháng, lý do là bù vào khoản tiền điện sẽ hạ từ 4.000 đồng xuống từ ngày 26/10. Cả khu trọ ai cũng choáng váng mà không biết làm sao”.

Hiện tại, mỗi tháng chị My phải trả 2,2 triệu đồng tiền phòng trọ cộng tiền điện 600.000 – 700.000 đồng/tháng. Cứ cho là việc áp dụng Thông tư 25 giúp chị giảm được ½ giá điện theo giá quy định, nhưng tiền phòng lại tăng 300.000 đồng, xem như chị không được lợi gì.

Còn chị Bùi Hồng Nhung (thuê nhà trọ ở Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) nói: “Giờ cứ nghe ngóng tình hình xem sao, nếu mọi người cùng ý kiến với chủ nhà thì mình tham gia, còn không thì nói làm gì mất công chủ nhà tăng tiền thuê phòng cũng quá tội”.

Ông Phan Tiến (một chủ nhà trọ đường 3/2, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết, ông cũng đang nghiên cứu Thông tư 25 nhưng vẫn chưa rõ lắm. “Nếu giá điện giảm đặc biệt là nghe nói không được cộng thêm 10% cho tổn thất, chi phí chiếu sáng và dùng chung thì chắc chắn người cho thuê như tôi cũng phải tìm cách nào đó bù vào hao hụt của mình”, ông Tiến nói.

Để Thông tư 25 phát huy hiệu quả, hiện tại cả Bộ Công thương và EVN đều đang chỉ đạo các Sở Công thương, các Tổng công ty điện lực phổ biến những điểm mới của thông tư 25, đăng tải rộng rãi trên phương tiện truyền thông.

“Ngoài phát tờ rơi, chúng tôi đang tiến hành dán những bảng áp phích ngắn gọn, dễ hiểu về cách tính giá điện mới theo Thông tư 25 ở tất cả các nhà trọ trên địa bàn để cả người cho thuê và người thuê đều nắm rõ và thực hiện”, ông Huỳnh Thanh Trung, Phó giám đốc Điện lực Q.Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ nói.

Theo EVN, tính đến 30/9/2018, EVN đã kiểm tra trên 177.000 nhà trọ và ký biên bản cam kết thu tiền điện đúng giá quy định với 157.000 chủ nhà trọ. Khi Thông tư 25 có hiệu lực, EVN sẽ tiếp tục rà soát và phợp với cơ quan quản lý nhà nước để kiểm tra, xử phạt trường hợp thu tiền sai quy định.

>>> Anh thợ điện Cà Rê đổi 100 USD xin miễn phạt 90 triệu

Theo HoaHocTro.vn