Việc thí điểm mô hình phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi khép kín như Tây Ninh mở ra nhiều cơ hội cho các địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp tại Việt Nam học hỏi và nhân rộng.
Với nguồn vốn gần 1 tỷ USD đã được rót vào ngành nông nghiệp tại tỉnh Tây Ninh, các nhà đầu tư nước ngoài tin rằng thời gian tới, rau quả Việt Nam sẽ được xuất khẩu trực tiếp sang nhiều thị trường trên thế giới.
Theo Ibisworld, doanh thu của rau quả chế biến trên thế giới dự báo sẽ đạt 317,1 tỷ USD vào năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm là 2,7% trong giai đoạn 2015 – 2021. Đáng lưu ý là giá trị xuất khẩu rau quả chế biến được dự báo sẽ tăng 3,3%/năm tại những thị trường đang phát triển.
Hoàn tất nhiều thương vụ
Tuy ngành nông nghiệp năm 2016 đạt kim ngạch xuất khẩu trên 32 tỷ USD nhưng về cơ bản nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp. Thời gian qua, đã có không ít nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nhưng tính đến thời điểm này, ngoài những doanh nghiệp FDI đã có sẵn thị trường thì các doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Mới đây, tại Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại tỉnh Tây Ninh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh cùng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ phối hợp tổ chức, lần đầu tiên công bố các hợp đồng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Âu và một số hợp đồng nội địa.
UBND tỉnh Tây Ninh đồng ý để Công ty CP Lavifood xây dựng 5 nhà máy sơ chế, chế biến trái cây, rau quả kỹ thuật cao công suất 15.000 tấn thành phẩm/năm trong vòng 5 năm, giá trị mỗi nhà máy 800 tỷ đồng. Tỉnh Tây Ninh còn trao chủ trương đầu tư trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và thu mua nông sản, chợ đầu mối, đào tạo công nhân, kỹ sư nông nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật Bản, hợp tác đầu tư sản xuất, chế biến, du lịch nông nghiệp.
Hội thảo còn công bố tài trợ của Quỹ Khí hậu xanh của Liên Hợp Quốc phát triển kho lạnh cùng Tập đoàn United Technologies – Carrier (Mỹ), ký kết hợp tác với Công ty Kiag của CHLB Đức về xây dựng quy trình quản trị chuỗi giá trị rau quả, ký kết hợp tác ứng dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và Organic giữa Tây Ninh với Control Union Vietnam, ký kết hợp tác với Viện Rodale của Mỹ về phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Tây Ninh.
Song song đó là kết nối 10.000ha đất sản xuất cung ứng cho chuỗi giá trị của một số hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp và ký kết hợp tác với Quỹ đầu tư Daiwa của Nhật Bản phát triển sản xuất, chế biến nông sản.
Những hợp tác trên cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là chế biến rau quả đang bước vào quy trình sản xuất bài bản, theo chuỗi giá trị toàn diện.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, với các chương trình mà đối tác Việt Nam cùng nhà đầu tư nước ngoài đã ký kết thì sau 5 năm triển khai mô hình phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế, giá trị nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh sẽ cán mốc 8 tỷ USD và thu nhập của nông dân có khả năng tăng từ 1.500 USD/năm lên 5.000 USD/năm.
Tiềm năng phát triển
Việt Nam không thiếu các vùng hội đủ khả năng chuyên canh nông sản. Chẳng hạn như vùng chuyên canh lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng chuyên canh cao su, cà phê ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ, vùng chăn nuôi bò sữa ở nhiều địa phương. Vậy tại sao Tây Ninh – vùng có thế mạnh về cây mía, cây sắn lại được chọn làm mô hình thí điểm về vùng chuyên canh và chế biến rau quả?
Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Thành – Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ (VOAEI) cho hay, kể từ khi Nhà nước xác định nông nghiệp là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế, đặc biệt là chuỗi giá trị thực phẩm.
Tháng 5/2016 vừa qua, VOAEI đã phối hợp với Bộ NN&PTNN, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) tổ chức nhiều Hội thảo Nhận diện sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – xu hướng phát triển và liên kết sản xuất, quy tụ nhiều nhà khoa học, các tổ chức, tập đoàn lớn trong nước lẫn nước ngoài để đánh giá tiềm năng và kết nối thị trường cho nông sản Việt Nam.
Song Tây Ninh là tỉnh duy nhất đăng ký tham gia phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ công nghệ cao và chủ động tái cấu trúc nền nông nghiệp theo định hướng của thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó nhắm đến phát triển mặt hàng rau quả. Liệu Tây Ninh có tạo được cú hích với giá trị sản xuất rau quả gần 1 tỷ USD tính đến tháng 1/2017?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Raj Sharma – TGĐ Công ty Sunrise Orchards (Mỹ), người được mệnh danh là “Vua của quả óc chó” Bắc California cho biết: “Chúng tôi đã có bản đánh giá về nông nghiệp Việt Nam, sau đó mới đi đến thỏa thuận hợp tác”.
Với thành công biến 320ha đất không phù hợp dành cho cây ăn quả thành khu rừng cây óc chó, ông Raj Sharma hoàn toàn tin tưởng sẽ thành công trong việc phát triển rau quả tại Việt Nam.
Thị trường thế giới đang chia rau quả chế biến thành 4 hạng mục, gồm rau quả đóng chai, rau quả đông lạnh, rau quả sấy, nước trái cây. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), 37% tổng giá trị rau quả được mua bán trên toàn cầu là rau quả chế biến.
Trong 270 tỷ USD doanh thu toàn cầu của rau quả chế biến năm 2015, ngoại trừ thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và các nước Mỹ Latin thì thị trường châu Á và các vùng còn lại đang chia sẻ 30% trong số đó (tương đương 81 tỷ USD). Kết quả này, theo lý giải của WB là do mức tiêu thụ ở các thị trường phát triển cao hơn nhiều so với các thị trường đang phát triển – nơi các sản phẩm với giá thấp được ưa chuộng hơn.
Theo IbisWorld, trong giai đoạn 2015 – 2021, doanh thu rau quả chế biến được dự báo sẽ tăng đến 3,3%/năm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây cũng là khu vực được dự báo có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất của sản phẩm rau quả chế biến và sẽ có sự chuyển đổi, di dời cơ sở sản xuất các sản phẩm rau quả chế biến sang các khu vực mới phát triển nhằm giúp nhà sản xuất tận dụng nguồn cầu to lớn do dân số đông.
Theo doanhnhansaigon.vn