Năm 2021 theo dự kiến, nhà nước sẽ giao 2.800 tỷ đồng cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động. Tuy nhiên, đã 4 tháng trôi qua, đơn vị này vẫn chưa được giao vốn.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được thành lập từ năm 1955 và là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước duy nhất được Nhà nước thành lập với mục đích quản lý, khai thác, sử dụng, kinh doanh trực tiếp toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo hình thức không tính thành phần vốn tại doanh nghiệp.
Lãnh đạo VNR cho biết, đơn vị đã có kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng về những vướng mắc kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Với 3.143km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố, để duy trì hệ thống trong điều kiện không có nguồn kinh phí, thời gian qua VNR đã tổ chức một hệ thống quản lý tài sản từ cấp Tổng công ty đến các đơn vị thành viên và các công ty cổ phần có vốn góp chi phối.
Tính đến thời điểm này, do ảnh hưởng từ nhiều mặt, ngành đường sắt đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn.
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR, theo dự kiến, năm 2021 nhà nước sẽ giao 2.800 tỷ đồng cho VNR để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động. Tuy nhiên, đã 4 tháng trôi qua, đơn vị này vẫn chưa được giao vốn. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân (người lao động chỉ được tạm ứng một phần lương) và chưa thể duy tu, bảo trì đường sắt.
Vấn đề này nếu không giải quyết trong tháng 4 này thì các doanh nghiệp đường sắt có nguy cơ đi đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững.
Đây không phải là lần đầu tiên VNR rơi vào cảnh như này, trước đó vào đầu năm 2020, doanh nghiệp này cũng không được Bộ Giao thông vận tải giao dự toán ngân sách, và phải nợ lương công nhân trong nhiều tháng.
Lý do dẫn đến tình trạng này là do VNR đã chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nên Bộ Giao thông vận tải không tiếp tục giao vốn cho đơn vị ngoài ngành. Phương án tháo gỡ tạm thời là Bộ Giao thông vận tải sẽ giao vốn cho VNR để duy tu như các năm trước. Tuy nhiên, đến năm 2021, phương án giao vốn như thế nào vẫn chưa được tháo gỡ.
Lãnh đạo VNR đã kiến nghị Chính phủ giao thẳng vốn cho tổng công ty để doanh nghiệp điều hành tập trung, tránh cấp trung gian.
Hiện ngành đường sắt đang có hơn 11.000 lao động trong khối hạ tầng, tất cả số lao động này đều được trả lương từ ngân sách nhà nước.
Yên Yên (t/h)