Chính phủ Nga hôm 23/12 vừa tuyên bố đã kết thúc thành công một loạt thử nghiệm ngắt kết nối toàn bộ hệ thống Internet của nước này với Internet toàn cầu, theo ZDNet.
Theo thông báo của chính phủ Nga, cuộc thử nghiệm đã được tiến hành trong nhiều ngày với sự tham gia của các cơ quan chính phủ cùng tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của nước này.
Mục tiêu của thử nghiệm là kiểm tra xem cơ sở hạ tầng Internet nội bộ của Nga – RuNet – có thể hoạt động mà không cần truy cập hệ thống DNS toàn cầu và Internet bên ngoài hay không.
Kết quả đạt được sẽ giúp Nga xây dựng một mạng Internet độc lập, bảo vệ Nga khỏi các mối đe dọa bên ngoài. Trong đó, có việc chống lại những cuộc tấn công do tin tặc từ các nước được cho là thiếu thiện chí với Nga thực hiện.
Ngoài ra, việc có một mạng Internet độc lập cũng giúp Nga chống lại các rủi ro lớn nhất, bao gồm trường hợp mạng toàn cầu bị sập.
“Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp một dịch vụ Internet không bị gián đoạn trên lãnh thổ Nga trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, Alexei Sokolov, Phó cục trưởng Bộ Phát triển Kỹ thuật số, Truyền thông và Truyền thông Nga cho biết trong một cuộc họp báo.
“[Kết quả cho thấy] về cơ bản, cả chính quyền và các nhà khai thác mạng viễn thông đều đã sẵn sàng ứng phó với các rủi ro và mối đe dọa có thể xảy ra nhằm đảm bảo Internet có thể hoạt động ổn định ở Nga”, ông Sokolov nói thêm.
Với lưu lượng Internet khổng lồ ở Nga được định tuyến lại thông qua thử nghiệm, RuNet đã trở thành mạng nội bộ lớn nhất thế giới.
Hiện chính phủ Nga vẫn chưa tiết lộ bất kỳ chi tiết kỹ thuật nào trong loạt thử nghiệm.
Được biết, Runet được cho là một biện pháp đối phó của Nga với Chiến lược An ninh mạng quốc gia Mỹ – vốn cáo buộc Nga, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên sử dụng các công cụ mạng làm “suy yếu” nền kinh tế và dân chủ Mỹ.
Theo đó, luật “Internet tự chủ” có hiệu lực ở Nga từ ngày 1/11 vừa qua cho phép Runet hoạt động độc lập trong trường hợp bị ngắt kết nối với bên ngoài. Các nhà chức trách Nga khẳng định, các cuộc thử nghiệm ngắt kết nối sẽ được tiến hành ít nhất mỗi năm một lần và không ảnh hưởng đến người dùng mạng dưới bất kỳ hình thức nào.
Ngoài ra, Nga cũng sẽ xây dựng phiên bản riêng của hệ thống tên miền (DNS) hay còn gọi là sổ địa chỉ của Internet. Nhờ đó, nó có thể hoạt động nếu liên kết đến các máy chủ có vị trí quốc tế bị cắt.
Thùy Linh (t/h)