Nga và Ukraine đang dùng những cách riêng để khơi dậy ký ức về hàng trăm ngàn nạn nhân bị đàn áp chính trị trong thời Joseph Stalin.
Cùng với các đảng viên Cộng sản, nhiều công nhân làm việc trong nhà máy, các nghệ sỹ và thậm chí cả những người phụ nữ ở nhà nội trợ nằm trong số đông đảo những người bị cầm tù hoặc bị giết chết do “phản cách mạng”.
Chính phủ Nga đang đưa ra chính sách mới nhằm tưởng nhớ các nạn nhân đợt thanh trừng chính trị này.
Các văn bản bước đầu nêu rõ, việc “tiếp tục biện hộ” hoặc bác bỏ lịch sử là điều “không thể chấp nhận” và một đài tưởng niệm quốc gia dự kiến sẽ được dựng lên.
Ký ức về hàng trăm ngàn nạn nhân bị đàn áp chính trị trong thời Joseph Stalin còn được khơi dậy qua những tấm biển hình chữ nhật nhỏ được gắn trước cửa nhà trên toàn nước Nga. Trên đó có dòng thông tin về tên, ngày sinh và nghề nghiệp: kỹ thuật viên phát thanh, phóng viên, sinh viên. Tiếp đến là ngày bị bắt và xử tử.
Sáng kiến của một nhóm các nhà hoạt động cũng là thách thức trực tiếp trước số lượng ngày càng đông người Nga coi nhà lãnh đạo thời Xô-viết này như “một nhà quản lý hiệu quả”, một anh hùng chiến tranh, thay vì là một bạo chúa.
Olga đã mang theo tấm ảnh chụp đen trắng ông mình, Mikhail Solonino. Vị giáo sư đại học chuyên ngành ngôn ngữ này đã bị bắt hồi tháng 10/1935 và bị quy kết là “kẻ thù của nhân dân”. Ông bị xử tử tại trại cải tạo Karlag 2 năm sau đó.
“Hôm nay ông được ghi nhận điều lẽ ra đã phải được ghi nhận từ lâu“, Olga nói trong lúc nhìn tấm biển khiêm tốn được gắn lên nơi từng là căn nhà của ông mình.
Dự án Địa chỉ Cuối cùng đã nhận được hơn 1.000 đơn yêu cầu gắn biển cho những người bị thanh trừng dưới thời Stalin, những người đã bị Stalin coi là kẻ phản bội.
Tuy nhiên, việc dùng khoan điện để gắn các tấm biển lên tường không phải là chuyện lúc nào cũng suôn sẻ.
“Mọi người nói với chúng tôi là họ không muốn căn nhà của họ biến thành nghĩa trang, và các tấm biển gắn lên trông rất phiền lòng“, Sergei Parkhomenko, người đưa ra sáng kiến này cho hay.
Trong khi đó, Ukraine đã chọn một bài hát về sự kiện Josef Stalin trục xuất người Tatar để tham dự cuộc thi Eurovision.
Ca khúc 1944 của ca sĩ Jamala kể về bi kịch của người bà, khi nhà độc tài Liên Xô đẩy 240.000 người Tatar lên xe lửa để đi đến Trung Á. Hàng ngàn người đã chết trên đường đi hoặc chết vì đói khi đến nơi.
Ca khúc mở đầu bằng câu: “Họ đến nhà bạn, họ giết tất cả và nói Chúng ta không có tội”.
Kỷ niệm về những sự kiện này sống lại do việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.
Rouslana, ca sĩ từng thắng giải Eurovision nói, ca khúc 1944 “là những gì chúng tôi đang hứng chịu ở Ukraine hôm nay”.
Còn Jamala, 32 tuổi, cho biết, ca khúc “nói về gia đình cô”. Cô nói mình muốn khán giả nghe một ca khúc được viết trong “tình trạng bất lực” sau khi Nga chiếm đất đai của Ukraine.
Cuộc thi Eurovision năm 2016 sẽ diễn ra ở Stockholm vào tháng 5.
Theo BBC