Khoảng 12 phi cơ Nga, gồm máy bay ném bom và tiếp dầu, bay từ Kaliningrad hướng ra Biển Baltic hôm Thứ Bảy (6/12), khiến NATO, Thụy Sĩ cùng Phần Lan phải điều máy bay ra giám sát, CNN dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên hôm Thứ Hai (8/12).
Hôm Chủ Nhật (7/12), Nga tiếp tục điều khoảng 12 phi cơ, gồm máy bay ném bom và máy bay vận tải, bay theo lộ trình tương tự ngày trước đó.
Quan chức trên cho biết, Nga từng có những chuyến bay với số lượng lớn tương đương trong quá khứ nhưng không diễn ra hai ngày liên tục. Washington và NATO đang cố xác định xem Moscow đang muốn gửi đi thông điệp gì. Xét về tổng thể “đây là một động thái phô diễn lực lượng của ông Putin”, quan chức Mỹ nhận định.
“Đây là sự xâm nhập quy mô lớn”, theo Đại tá Steven Warren, người phát ngôn Lầu Năm Góc, bởi các phi cơ Nga tuy vẫn ở trên không phận quốc tế nhưng có lúc đã tiến vào một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Chuẩn đô đốc John Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, hôm Thứ Bảy (6/12) cho rằng, việc có nhiều chuyến bay của Nga được triển khai trong cùng ngày là “đáng chú ý”. Tuy nhiên, ông không coi động thái của Nga là mối đe dọa.
“Số lần bay quá nhiều không giúp ích cho việc giảm căng thẳng. Dù số lần bay nhiều chưa từng thấy nhưng điều này vẫn chưa thể khiến NATO phải rung chuông báo động”, ông Kirby nói.
Moscow hiện chưa có bình luận nào về thông tin này.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga là Sergei Shoigu hôm 12/11 từng thông báo, “các đơn vị không quân tầm xa” của nước này sẽ bay dọc biên giới của Nga và vùng biển ở Bắc Băng Dương, nối lại hoạt động tuần tra diện rộng, vốn chấm dứt từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Song song đó, hôm Thứ Ba (9/12), Ngoại trưởng Nga là Sergei Lavrov tuyên bố, Moskva sẽ đáp trả “thích đáng” đối với việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Moskva sẽ phải áp dụng các biện pháp thích đáng để đảm bảo an ninh của nước Nga ở một số giai đoạn trong quá trình Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Ông khẳng định Nga không có ý định tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, song khả năng phòng thủ của nước này phải được đảm bảo.
Trong thông điệp gửi Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) mới đây, Tổng thống Vladimir Putin cũng nhấn mạnh việc Mỹ tiếp tục thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu ở châu Âu là mối đe dọa không chỉ đối với an ninh của nước Nga mà của toàn thế giới
Theo VNE