Một cuộc phân tích mẫu chữ viết tay của Nga Hoàng Alexander I và một ẩn sĩ đã tiết lộ vị Nga Hoàng này dường như đã giả chết. Mục đích của sự dàn dựng này là để ông có thể ăn năn và sám hối về tội lỗi của mình.
Từ lâu, các tin đồn cho rằng vị Nga hoàng Alexander I tự dàn dựng vở kịch về cái chết của mình vào năm 1825, để trở thành ẩn sĩ Feodor Kuzmich (hay còn gọi là Feodor Tomsky) được lan truyền rất rộng rãi.
Song song đó, có một giả thuyết được đưa ra rằng: Đằng sau cái chết này, Nga hoàng muốn nhận được sự tha thứ vì đã tham gia vào vụ ám sát cha mình là Nga hoàng Pavel I vào năm 1801 và nhận được lợi ích từ những người thực hiện âm mưu ám sát này.
Hiện tại các phân tích của bà Svetlana Semyonova, chủ tịch Hiệp hội đồ họa Nga cho thấy: Có sự tương đồng rất lớn giữa chữ viết tay của hoàng đế Alexander I và tu sĩ bí ẩn Feodor Tomsky.
Bà nói: “Tôi đã nhận được một bức thư tay của Hoàng đế Alexander I ở tuổi 45 và một bức thư viết tay khác dưới cái tên Feodor Kuzmich. Là một nhà đồ họa, nên tôi đã lưu ý đến điểm giống nhau khác thường của hai bản viết tay”.
Theo đặc điểm chi tiết của chữ viết và những bức chân dung mô tả hình dáng của hai tác giả thì khả năng rất cao là của “cùng một người”.
“Sự khác biệt duy nhất trong chữ viết tay của người đàn ông 82 tuổi mà chúng ta có thể thấy là ông đang chìm sâu trong thế giới tâm linh, với sự xuất hiện của các ký tự uốn cong và hình mái vòm. Tuy nhiên các đặc điểm chính của hai mẫu chữ viết thì vẫn giống nhau”.
Lật ngược lại các ghi chép lịch sử cho biết: Vị Nga Hoàng Alexander I đã qua đời vào ngày 1/12/1825 ở tuổi 47. Ông mắc phải hội chứng ớn lạnh cả người và phát triển thành bệnh sốt phát ban. Khi bệnh tình ngày một trở nặng, hoàng đế qua đời ở thành phố Taganrog.
Một năm sau đó, hoàng hậu Elizabeth cũng từ trần. Nhưng một lần nữa các tin đồn lại lan truyền và cho rằng đó là cái chết giả. Sự thật là bà đã trở thành nữ tu dưới tên gọi Silent Vera. Trước đó không lâu trang báo Rossiyskaya Gazeta của Nga cũng đưa tin rằng chữ viết tay của nữ hoàng và người nữ tu sĩ này có sự giống nhau tương tự.
Quay trở lại vị tu sĩ bí ẩn, được biết ông đã xuất hiện ở thành phố Tomsk của Siberia vào năm 1837 và sống ở đó cho đến khi ông qua đời vào năm 1864. Kể từ năm 1995, di hài của vị “thánh sư” này được bảo tồn ở thành phố Tomsk.
Tại một diễn đàn chuyên nghiên cứu về hoàng đế Alexander ở Tomsk, Giáo sư Andrey Rachinsky thuộc Viện Ngôn ngữ và Nền Văn minh phương Đông ở Paris cho biết nhiều sự kiện xảy ra đều cho thấy mối liên hệ giữa Nga Hoàng Alexander I và vị tu sĩ. Một ví dụ điển hình là bức chân dung của tu sĩ được đặt trên vách tường trong phòng của Nga Hoàng Alexander III. Bức chân dung này nằm ngay bên cạnh các bức chân dung của những người tiền nhiệm trước ông.
Ngoài ra, còn có một thương gia khác đến từ Tomsk, ông Semyon Khromov (người vận chuyển đồ đạc trong ngôi nhà mà tu sĩ Feodor từng sống cho người đứng đầu Đức Thánh Linh Konstantin Pobedonostsev) cũng nhận ra nhiều điểm tương đồng giữa vị tu sĩ với Nga Hoàng. Ông Khromov cũng lưu ý rằng nữ hoàng Elizabeth đã không có những phản ứng thường thấy sau khi người chồng yêu quý của bà qua đời ở vùng Taganrog.
Được biết năm nay là thời điểm đánh dấu kỷ niệm 190 năm sự ra đi của hoàng đế Alexander I và kỷ niệm 20 năm ngày phát hiện di hài của nhà sư Feodor Tomsky. Theo đó, một chi nhánh của nhà thờ Chính thống giáo ở thành phố Tomsk đã cho phép thực hiện một cuộc xét nghiệm DNA di cốt của tu sĩ Feodor.
Riêng nhà văn Leo Tolstoy thì viết rằng: “Khi tu sĩ Feodor Kuzmich còn sống, ông đã đến Siberia vào năm 1836 và sống tại nhiều nơi khác nhau trong suốt 27 năm còn lại của đời mình. Đây cũng là thời điểm có nhiều tin đồn kỳ lạ về ông. Đa số những tin đồn này cho rằng vị tu sĩ đã giấu tên thật cùng nơi ở của mình và ông chính là hoàng đế Alexander I.
Sau cái chết của tu sĩ, những tin đồn tiếp tục lan truyền nhanh chóng hơn. Khi này không chỉ có người dân bình thường tin vào điều đó, mà ngay cả những người thuộc tầng lớp thượng lưu, kể cả gia đình hoàng gia của Nga Hoàng Alexander III cũng không ngoại lệ”.
“Lý do giải thích cho những tin đồn này là: Vị hoàng đế Alexander I đã chết một cách bất ngờ, mặc dù trước đó ông không hề bị bệnh. Trong khi đó, ông lại qua đời ở một nơi xa xôi của tỉnh Tanganrog và khi thi thể của nhà vua được đưa vào quan tài, những người trông thấy nói rằng hình dáng của ông đã thay đổi rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân vì sao chiếc quan tài lại được niêm phong nhanh hơn bình thường”.
“Được biết hoàng đế Alexander đã nói và viết rất nhiều về việc ông muốn từ bỏ vị trí của mình và tránh xa thế giới này. Ngoài ra còn có một sự thật khác ít được biết đến là trong bản tuyên bố chính thức về nơi chôn cất hoàng đế Alexander mô tả rằng: Trên lưng và phần thân dưới của ông có màu đỏ sậm. Nó không hề giống các mô tả về thân thể của vị hoàng đế trước đây”.
“Trở lại với tu sĩ Kuzmich. Về lý do tại sao ông lại được xem là hoàng đế Alexander, thì nguyên nhân đầu tiên chính là chiều cao và ngoại hình của tu sĩ rất giống với hoàng đế. Điều này đã được những người từng nhìn thấy Alexander xác nhận (Đặc biệt là những người hầu cận cũng tin rằng tu sĩ Kuzmich chính là hoàng đế Alexander). Bên cạnh đó, các bức chân dung của cả hai người đều trông giống hệt nhau”.
“Thứ hai là vì tu sĩ Kuzmich từng nói rằng ông là một người vô gia cư và không nhớ rõ gia đình của mình. Ông biết nói tiếng nước ngoài và có phong thái cao quý trước những người khác. Điều này đồng nghĩa rằng ông từng là một người có vị trí cao trong xã hội”.
“Thứ ba, tu sĩ không bao giờ nói tên thật và nơi ở của mình cho bất kỳ ai. Nhưng đôi khi cách ông cư xử cho thấy rõ sự cao quý của ông so với người khác”.
“Thứ tư, trước khi mất, ông đã hủy bỏ một số loại giấy tờ, nhưng vẫn có một tờ giấy còn sót lại. Đó chính là một bức thông điệp được mã hóa với các chữ viết tắt A và P (những người ủng hộ giả thuyết này xem đây là chữ viết tắt của Alexander Pavlovich, đồng thời là tên và chữ ký của ông).
“Thứ năm, ông không tuân theo đức tin của mình, bởi ông không bao giờ ăn chay. Ngay cả khi một vị giám mục cố gắng thuyết phục tu sĩ làm theo trách nhiệm của một tín đồ, ông cũng nói rằng: “Nếu tôi không thú nhận sự thật về bản thân mình, thì Đức Chúa Trời sẽ ngạc nhiên. Nhưng nếu tôi thú nhận điều đó, thì thế giới này sẽ rất ngạc nhiên”.
-
Nữ tu sĩ qua đời hơn trăm năm nhưng thi hài vẫn như người còn sống
-
Tu sĩ vân du và những bí ẩn chưa từng tiết lộ về người ngoài hành tinh (P.1)
Tú Văn, theo ST