Nga đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới với cán cân nghiêng hẳn về phái nữ. Tình trạng này có thể kéo dài trong vài chục năm tới và khó có thể cải thiện nếu tỉ lệ nam giới tử vong cao ở nước này cứ tiếp tục tái diễn.
Theo số liệu vừa công bố của Cục Thống kê liên bang Nga (Rosstat), tình trạng nữ thừa nam thiếu ở nước này sẽ tiếp tục duy trì về dài hạn. Đến năm 2036, khu vực duy nhất ở Nga có số đàn ông đông hơn phụ nữ là khu tự trị Chukotka nằm ở vùng Viễn Đông.
Cụ thể hơn trong năm 2019, cứ 1.000 đàn ông Nga thì có đến 1.154 phụ nữ. Đến năm 2036, tỉ lệ sẽ là 1.000 đàn ông/1.128 phụ nữ.
Khác với một số nước Á Đông, các chuyên gia nhân khẩu học nhận định rằng hiện tượng mất cân bằng giới ở Nga không phải lỗi của tâm lý lựa chọn giới tính mà là vì tỉ lệ tử vong cao của nam giới nước này.
“Ban đầu số lượng bé trai và bé gái sinh ra gần như bằng nhau. Trong độ tuổi 0-4, cứ 1.000 bé trai thì có 947 bé gái, nhưng tình hình bắt đầu thay đổi từ độ tuổi 20-25, khi đó cứ 1.000 chàng trai lại có đến 1.023 cô gái.
Tuổi càng lớn, cán cân càng nghiêng nhiều hơn (về phái nữ). Do đó có thể kết luận vấn đề nằm ở tỉ lệ tử vong cao trong nhóm đàn ông thanh niên”, giáo sư Aleksandr Timofeev, Trường Kinh tế Plekhanov (Matxcơva) cho hay.
Đáng chú ý, đến độ tuổi 60, cứ 1 quý ông Nga thì có đến 2 phụ nữ (do đàn ông chết nhiều hơn), sự chêch lệnh ‘khủng’ này dẫn đến hiện tượng biến dạng nhân khẩu học trong xã hội.
“Kết quả là xã hội chuyển từ mô hình gia đình truyền thống (đàn ông gia trưởng) sang mối quan hệ đối tác, trong đó chồng và vợ chia sẻ quyền bình đẳng, có cùng vai trò và quyền đưa ra quyết định”, giáo sư Timofeev chia sẻ thêm.
Ngoài ra, xu hướng nữ thừa nam thiếu trong những năm tới có thể khiến rất nhiều nữ giới gặp khó khăn trong việc lấy chồng. Từ đó, hạnh phúc gia đình sẽ không được trọn vẹn nếu nữ giới ở độ tuổi trưởng thành phải sống độc thân.
Điều này gây ra những lo lắng, căng thẳng về tâm lý, làm phụ nữ mất nhiều thời gian hơn trong việc tìm kiếm người chồng phù hợp. Từ đó ảnh hưởng đến cả hạnh phúc và sự phát triển bền vững kinh tế của một gia đình, xã hội.
Mặt khác, Nga cũng như phần lớn các quốc gia phương Tây khác vẫn đang ở lưng chừng quả bom dân số già khiến nước này bị thiếu lao động trầm trọng, phải chi trả một số tiền rất lớn về phúc lợi cho người già như quy chăm sóc, lương hưu, bảo hiểm,.. Xu hướng già hóa dân số cũng sẽ khiến cho quốc gia này dần bị suy giảm dân số.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, trong tình trạng xấu nhất thì đến năm 2100, dân số Nga sẽ giảm xuống 83,7 triệu người nếu tỉ lệ sinh không cải thiện.
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm: