Chính phủ Nga công bố kế hoạch “chống khủng hoảng” chi ít nhất 2.340 tỉ rúp, tương đương 35 tỉ USD, để tìm cách ngăn chặn khủng hoảng kinh tế sau các lệnh trừng phạt của Phương Tây cùng với việc phá giá dầu và đồng rúp.
Đất nước này cũng đang chịu các cấm vận kinh tế từ phương Tây vì vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Nga sẽ chi tiêu phần lớn số tiền này vào các khoản vay liên bang, hưu trí và tái tăng cường vốn cho các ngân hàng của nước này, đồng thời công khai việc cắt giảm các khoản chi tiêu. Trong vòng ba năm tới, phần lớn mọi chi tiêu, trừ các chương trình xã hội và quân sự, đều sẽ bị ảnh hưởng.
Trong tháng 1, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, kinh tế của Nga năm nay sẽ giảm 3%, và năm 2016 sẽ giảm 1%.
Các biện pháp
Chính phủ Nga sẽ chi khoảng 1.000 tỉ rúp để tái tăng cường vốn cho ngân hàng thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ.
Các ngân hàng sẽ được nhận thêm 550 tỷ rúp bao gồm 300 tỷ rúp cho Vnesheconombank, Ngân hàng phát triển nhà nước, để tăng “cho vay đối với các tổ chức của các ngành”.
Vào ngày 30/1, chính phủ sẽ thu thập kiến nghị về việc tạo ra một “ngân hàng xấu” để vòng rào tài sản các ngân hàng có vấn đề.
Kế hoạch này bao gồm 200 tỉ rúp cho các dự án đầu tư tài chính, cũng như các mục tiêu khác đã được chính phủ phê duyệt .
Các chính quyền địa phương sẽ nhận 160 tỉ rúp từ các khoản vay của liên bang, và 188 tỉ rúp đã được giao để nâng mức lương hưu phù hợp với lạm phát.
Trong khi đó, chính phủ đề xuất cắt giảm chi tiêu công cộng 10% trong năm 2015 và 5% trong hai năm tới. Các cắt giảm này sẽ phải được Quốc hội Nga phê chuẩn.
Theo BBC, Reuters