Bắc Kinh đã có thể kiểm soát được bệnh viêm phổi do virus corona gây ra nếu học được bài học từ SARS. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không tránh được vết xe đổ này vì người dân đại lục vốn chưa bao giờ được hưởng quyền tự do ngôn luận, theo The Guardian.
Cái chết của bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp Trung Quốc. Phương tiện truyền thông xã hội tràn ngập những bài chia sẻ thương tiếc về cái chết của một anh hùng đã cố gắng gióng lên hồi chuông báo động về virus corona nhưng lại bị chính quyền khép tội “lan truyền tin đồn giả mạo và phá rối trật tự xã hội”.
Sự đau buồn của người dân nhanh chóng biến thành nỗi tức giận, và yêu cầu được tự do ngôn luận. Do đó, chủ đề thịnh hành trên các mạng xã hội Trung Quốc hiện nay là “chúng tôi muốn tự do ngôn luận”, thu hút hàng triệu lượt xem và liên kết đến bài hát “Do You Hear the People Sing”, một bài hát phổ biến trong các cuộc biểu tình ở Hồng Kông gần đây nhưng nhanh chóng bị chính quyền xóa bỏ.
Trong một động thái bất thường, cơ quan thi hành kỷ luật nội bộ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã nhanh chóng tuyên bố sẽ cử các nhân viên điều tra đến Vũ Hán để xem xét các “vấn đề của quần chúng” có liên quan đến bác sĩ Lý. Chính quyền Trung Quốc rõ ràng nhận thức được sự tức giận và sự phẫn nộ của công chúng có thể dễ dàng sôi sục và phun trào.
Nhìn lại trong quá khứ khi các vụ bê bối về sức khỏe hoặc an toàn bị lộ ra, gần như chính phủ Trung Quốc sẽ sa thải một vài quan chức địa phương để xoa dịu sự tức giận của công chúng. Nhưng đây chỉ là một biện pháp “chết thay” và vấn đề vẫn chưa thực sự được giải quyết – người dân nước này vẫn không có quyền tự do ngôn luận.
Chúng ta có thể nhớ lại cuộc khủng hoảng y tế tương tự 17 năm trước khi dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Dịch bệnh này đã lây nhiễm cho hơn 8.000 người và khiến khoảng 800 tử vong ở 17 quốc gia. Năm 2003, chính quyền đã che đậy căn bệnh này trong nhiều tháng trước khi một bác sĩ là ông Jiang Yanyong, 72 tuổi vạch trần tình trạng khủng hoảng y tế khi đó.
Đáng tiếc, Trung Quốc dường như không rút ra được bài học từ dịch Sars.
Bất chấp sự phát triển của truyền thông xã hội, thông tin ở Trung Quốc vẫn bị kiểm soát chặt chẽ hơn hơn bao giờ hết. Năm 2013, một sắc lệnh của nội bộ Đảng Cộng Sản Trung Quốc được gọi là Văn kiện số 9 đã ra lệnh lật đổ 7 cán bộ có ảnh hưởng trong xã hội. Ngay cả trong Đảng Cộng sản, các cán bộ cũng bị đe dọa bằng hành động kỷ luật vì bày tỏ ý kiến khác với lãnh đạo.
So với 17 năm trước, công dân Trung Quốc thậm chí còn ít có quyền hơn về tự do ngôn luận hơn. Được biết, vài ngày sau khi bác sĩ Lý đăng một dòng trạng thái trong nhóm cựu sinh viên trường y trên mạng xã hội vào ngày 30/12, rằng 7 công nhân từ chợ động vật sống ở địa phương đã được chẩn đoán mắc bệnh tương tự SARS và bị cách ly ở bệnh viện, sau đó anh bị cảnh sát triệu tập.
Anh đã bị bắt ký vào một văn bản và bị buộc tội “đưa ra những bình luận sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội”. Qua lời kể của bác sĩ Lý khi còn sống, cảnh sát đã nói: “Chúng tôi cảnh báo anh. Nếu anh cứ ngoan cố với sự thái độ như vậy và tiếp tục hoạt động phi pháp này, anh sẽ bị trừng phạt bởi công lý – có hiểu điều đó không?”
Nếu bác sĩ Lý sống trong một xã hội mà công dân có thể có tiếng nói tự do mà không sợ bị trừng phạt vì phơi bày những sự thật mà chính quyền không nhìn thấy, và nếu cảnh báo của anh được chú ý và chính quyền có hành động kịp thời, virus có thể được ngăn chặn. Thay vào đó, dịch bệnh đã giết chết ít nhất 724 người và lây nhiễm gần 35.000 người, hiện tại virus vẫn đang lan rộng.
So với năm 2003, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc có thể đã tăng gần 8 lần, nhưng người dân của nước này vẫn không được hưởng nhiều tự do và quyền hạn, điều mà nhiều người đoán là đi kèm với những thành tựu kinh tế đang gia tăng.
Nếu như quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác của công dân Trung Quốc được tôn trọng, những cuộc khủng hoảng như vậy sẽ không xảy ra một lần nữa. Với một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay thì số người chết do nhiễm virus corona có thể sẽ lớn hơn nhiều so với tổng số người chết do SARS.
Nhân quyền ở Trung Quốc dường như kém hơn nhiều so với các nơi khác trên thế giới. Nhưng như chúng ta đã thấy trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh này, thảm họa có thể xảy ra nếu Trung Quốc cản trở quyền tự do của công dân. Chắc chắn đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần phải xem xét nghiêm túc vấn đề này.
Thiện Thành (t/h)