Tinh Hoa

Nếu đường lưỡi bò hợp pháp, Mông Cổ sẽ là chủ nhân của Trung Quốc

Nếu căn cứ theo chủ quyền lịch sử mà Trung Quốc bao biện cho đường lưỡi bò của mình, thì người Mông Cổ có thể đòi hỏi chủ quyền với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc hiện nay.

Minh họa.

 

Zachary Keck, biên tập viên tạp chí Diplomat ngày 19/2 nhận xét, cái gọi là nguyên tắc của đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc đưa ra ở biển Đông đe dọa sự ổn định không chỉ ở khu vực mà còn đe dọa trật tự toàn cầu khiến Mỹ phải công khai phản đối nó.

Trái ngược với những gì Trung Quốc tuyên bố, Mỹ thể hiện rõ quan điểm của mình sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra đối đầu, chiến tranh giữa Washington và Bắc Kinh trên biển Đông.

Từ địa vị vững chắc của Mỹ tại Thái Bình Dương hiện nay, có vẻ Washington rõ ràng sẽ không chấp nhận yêu sách của Bắc Kinh đòi “chủ quyền” gần như toàn bộ biển Đông, ít nhất là trong bối cảnh hiện tại.

Tuy nhiên, một số người theo đuổi tham vọng thực thi tuyên bố chủ quyền với Biển Đông ở Bắc Kinh có thể có những nhận định khác nhau về vấn đề này. Vì Washington từng khoanh tay đứng nhìn quân đội Trung Quốc đẩy Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough năm 2012 và tiếp tục nhăm nhe tìm cách đánh bật Manila ra khỏi bãi Cỏ Mây (Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và Philippines cũng đang tranh chấp chủ quyền đảo này).

Nếu Trung Quốc phớt lờ các cảnh báo của Mỹ, điều này có khả năng tạo cho Bắc Kinh một khoảng tạm dừng lớn hơn để thúc đẩy tuyên bố của họ ở biển Đông, và nó cũng sẽ đặt Mỹ vào tình thế khó khăn hơn.

Vì vậy chính quyền Obama đã tuyên bố tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á để giảm thiểu nguy cơ này. Khi Mỹ thể hiện quan điểm cứng rắn của mình, Washington sẽ tránh bị rơi vào khả năng va chạm với Trung Quốc.

Biên tập viên Zachary Keck.

Quan trọng hơn, Mỹ thách thức yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông bởi vì nó không chỉ gây bất ổn cho khu vực châu Á. Tuyên bố của Trung Quốc đòi “chủ quyền” với 90% diện tích Biển Đông bắt nguồn từ “chủ quyền lịch sử”.

Năm 2008, một nhà ngoại giao Trung Quốc nói với các quan chức Mỹ rằng, đường 9 đoạn ở Biển Đông “cho thấy chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trong Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) có từ thời cổ đại“.

Nếu cứ để Trung Quốc tự thiết lập “nguyên tắc” một mình một kiểu như vậy sẽ dẫn đến vô số xung đột chủ quyền bởi sự dịch chuyển biên giới giữa các quốc gia trong lịch sử.

Lý luận theo kiểu Trung Quốc, đế chế Ottoman đã kiểm soát phần lớn châu Âu ở những thời điểm khác nhau thì Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay có quyền đòi “chủ quyền” với toàn bộ châu lục này.

Tương tự, Pháp và Đức từng có tuyên bố chủ quyền hầu hết Tây Âu và Đông Âu thời kỳ Napoleon và Đức quốc xã, Nga có quyền yêu cầu “chủ quyền” ở các nước Đông Âu do biên giới Liên Xô để lại….

Trớ trêu hơn nữa, một số quốc gia có thể áp dụng “nguyên tắc đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đang bám lấy để yêu sách chủ quyền với chính một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.

Nhiều vùng lãnh thổ của Trung Quốc từng là thuộc địa của Đức, Pháp và Anh thời thế kỷ 19, 20 thì họ cũng có thể yêu sách “chủ quyền” với những vùng đất này như những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông.

Chính phủ ông Shinzo Abe có thể yêu sách chủ quyền với một vùng lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc vì Hoàng gia Nhật đã từng kiểm soát chúng một thời.

Thậm chí người Mông Cổ có thể đòi hỏi chủ quyền với toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc hiện nay bởi cha ông họ đã từng làm chủ Hoa lục thời kỳ nhà Nguyên, thế kỷ 13.

Tất cả điều này chứng tỏ nguyên tắc đằng sau cái gọi là đường 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trật tự toàn cầu.

Theo giaoduc