Mỗi kết quả đều có nguyên nhân của nó. Dường như chính thượng đế đã chủ ý sắp đặt mọi thứ để tạo ra những tầng tầng lớp lớp các sự kiện đưa đẩy chúng ta vào thời điểm hiện tại, chứ không hề có cuộc gặp gỡ nào thật sự xảy ra một cách tình cờ cả.
Trận động đất kinh hoàng
Cách nói ẩn dụ ‘hiệu ứng domino’ đặc biệt thích hợp trong câu chuyện này.
Câu chuyện xảy ra ở Nepal, nơi đã trở thành quê hương thứ hai của tôi kể từ năm 1979, và là nơi tôi đã quay lại để thăm hay để ở gần như mỗi năm trong vòng ba thập niên kế tiếp.
Ngày 25/4/2015, vào lúc 11:56 sáng, hai mảng địa tầng của vỏ Trái Đất dịch chuyển một chút.
Sự dịch chuyển này đã gây ra một trận động đất chết chóc, khiến các công trình xây dựng sụp đổ, san bằng các ngôi đền cổ xưa, gây ra những trận lở đất khủng khiếp và khiến cho nhà cửa, nhất là nhà cửa ở Quận Sindhupalchowk bị phá hủy.
Các ngôi nhà đổ chồng lên nhau phía dưới núi. Hơn 8.800 người Nepal thiệt mạng và hàng trăm ngàn người bị mất nhà cửa.
Do tôi đã gắn bó lâu năm với mảnh đất này nên không có gì ngạc nhiên khi tôi cảm nhận những rung chấn này từ trong sâu thẳm của lòng mình khi trận động đất khủng khiếp xảy ra.
Trong tôi thôi thúc mong muốn được bay đến Kathmandu ngay lập tức và làm tất cả những gì có thể. Tuy nhiên, do trước đây từng công tác trong các khu vực thảm họa nên tôi biết rằng nếu không có một vai trò cụ thể và thiết yếu thì sự hiện diện của tôi chỉ đem đến phiền toái mà thôi.
Cho nên sáu tháng sau đó, tôi đã đến Nepal có chủ đích: để đến thăm những nỗ lực cứu trợ thành công và tường thuật về sự phục hồi của quốc gia này.
Tôi biết rằng tôi sẽ gặp những người mà cuộc sống của họ đã trở nên tan nát, thế nhưng vẫn lên kế hoạch tường thuật một cách khách quan. Và tôi đã làm công việc đó tương đối tốt – cho đến khi tôi đến Trại Hy vọng và gặp một em gái 10 tuổi đến từ Sindhupalchowk.
Sự thoát chết tình cờ
Pedro và Lorenzo, hai du khách Tây ba lô trẻ tuổi đến từ Bồ Đào Nha, trước đây chưa từng biết đến Sindhupalchowk. “Thật lòng mà nói,” Pedro nói, “chúng tôi không hề biết gì về Nepal.”
Họ đã đến Nepal vào đêm 24/4 sau nhiều ngày thực hiện hành trình ngẫu hứng trên khắp châu Á mà không định sẵn cái đích cuối cùng. Kế hoạch của họ là thức dậy sớm, leo lên đỉnh của Tháp Dharahara, một tượng đài lịch sử cao 62 mét có tầm nhìn bao quát khắp Kathmandu vừa được phục hồi, rồi sau đó đi bộ trekking.
Ngày hôm sau, họ ngủ quên nên dậy muộn. Khi họ vừa rời khách sạn thì động đất xảy ra. Nhờ vào đi trễ hơn so với dự định mà họ đã thoát chết: toàn bộ 180 người bên trong và xung quanh tháp Dharahara thiệt mạng khi ngọn tháp đổ sụp.
Mặc dù được cho một chuyến bay để về nước, nhưng Pedro và Lorenzo đã không rời Nepal. Họ đã ở lại và dùng số tiền tiết kiệm của mình để mua gạo, rau quả và trái cây cho những người dân địa phương hoảng loạn đang sống tạm ngoài đường.
Trong ba tuần sau đó, câu chuyện của họ, vốn được đưa lên Facebook, đã lan truyền nhanh chóng. Hàng chục ngàn euro đã được đổ vào tiếp thêm sức mạnh cho nỗ lực cứu trợ còn nghèo nàn của họ.
Trong suốt những tuần sau đó, họ đã làm việc không ngừng nghỉ, đem thực phẩm, nhu yếu phẩm và quần áo đến với những nạn nhân mất nhà cửa trong thảm họa.
Và do khu ở tập trung của các du khách còn hỗn loạn, họ được cho cư trú ở Dwarika’s, một khách sạn thanh lịch ở địa phương vốn cũng là nơi đặt Lãnh sự quán Tây Ban Nha.
Chuyến cứu trợ tình cờ
Dwarika’s do Sangita Shrestha, con của bà chủ khách sạn, quản lý. Gia đình Shresthas cũng khởi động một số dự án tái thiết và chẳng mấy chốc hai du khách Bồ Đào Nha đã tham gia vào các dự án này. Thế rồi thêm một quân cờ domino đã đổ.
“Vào giữa tháng Năm,” Pedro nhớ lại, “có người đến khách sạn Dwarika’s nói với chúng tôi rằng có 350 người – bao gồm đàn ông, phụ nữ và 81 trẻ em – đã được trực thăng di tản khỏi một khu vực được gọi là Sindhupalchowk. Họ được bỏ lại ở một khu đất trống mà không có thực phẩm, quần áo hay nước sạch. Thế là chúng tôi đã lấy vài chiếc xe tải,” anh kể, “và đem đến cho họ những nhu yếu phẩm cơ bản.”
Sangita, Pedro, Lorenzo và một số tình nguyện viên mới kết hợp với nhau để chăm sóc cho những người Nepal phải rời bỏ nhà cửa này.
Sangita kiếm được một sân bóng đá bỏ trống để sử dụng và chỉ trong vòng vài ngày, một thành phố lều tạm được dựng lên.
Xe tải chở nước đến, các đường dây điện được kết nối và một bếp ăn được dựng lên. Trẻ em được đăng ký đi học ở một trường công gần đó. Pedro đặt tên cho trại định cư này là: Trại Hy vọng.
Vào tháng 10/2015, tôi đến Nepal để viết câu chuyện của mình. Tôi đến trú ngụ tại khách sạn Dwarika’s và tìm kiếm những dự án cứu trợ thú vị.
Vào một buổi sáng, Sangita đến uống cà phê cùng với tôi. “Có một dự án,” cô nói, “mà tôi rất muốn ông nhìn thấy.”
Nhân duyên tiền định?
Khi tôi đến Trại Hy vọng, một nhóm đông người lớn và hàng chục trẻ nhỏ đang chờ đợi chúng tôi. Họ siết chặt tay nhau theo kiểu chào truyền thống của người Nepal.
Sangita có việc phải làm và cô cần phải bỏ tôi lại trong một lúc. Cô nhìn lướt qua đám đông với cặp mắt ti hí và chọn ra một em gái có mái tóc đen, mặc chiếc áo choàng lông màu hồng và có nét mặt điềm tĩnh, tò mò. Em gái ấy có mái tóc cắt cúp và đôi mắt tò mò một cách mãnh liệt.
“Laxmi nhé?” Em gái đó gật đầu một cách háo hức và bước ra phía trước. “Đây là Jeff, đến từ nước Mỹ. Hãy dắt ông ấy đi một vòng khu trại nhé.”
Các tín đồ Hindu và Phật giáo ở Nepal tin vào thuyết luân hồi chuyển kiếp. Một phần của thuyết này đã thấm vào người tôi.
Tôi nhận ra ở Laxmi là một gương mặt quen thuộc và cảm giác có sự gắn bó ngay lập tức như thể cô bé là một phần của cuộc đời tôi trong nhiều năm.
Khi cô bé nắm lấy tay tôi, tôi hoàn toàn giao mình cho cô bé với cảm giác tin tưởng và yêu mến ngay lập tức. Dường như có thể là trong một tiền kiếp nào đó, cô bé đó là một người lớn và tôi là một đứa trẻ mà cô bé phải chăm sóc.
Laxmi dẫn tôi tới phía trước và ngay lập tức chỉ vào những thứ ở gần nhất: những ngăn bằng kim loại có hình gợn sóng xếp thành dãy trên mặt đất cứng và trên cửa có vẽ chữ số màu đen.
“Nhà vệ sinh,” cô bé nói bằng một thứ tiếng Anh rõ ràng đến ngạc nhiên. “Một, hai, ba, bốn. Và hai nhà tắm.” Tôi nhận ra rằng đó là toàn bộ các phòng vệ sinh phục vụ cho trên 350 đàn ông, phụ nữ và trẻ em hiện đang cư trú ở trại tị nạn này.
Khu trại sôi động
Chúng tôi tiếp tục đi quanh khu trại. Tôi đã ngạc nhiên khi thấy khu trại có cuộc sống sôi động đến thế nào.
Trong căn lều được sử dụng làm phòng học, ba em gái trong tuổi thiếu niên đang cười đùa làm bài tập cùng nhau trên một đống những tấm thảm Tây Tạng.
Căn bếp có một chiếc nồi to đùng đang bốc khói như trong chuyện Alibaba và 40 tên cướp.
Có một căn lều dùng làm phòng thờ với các chén cúng đặt quanh một gian thờ Phật nhỏ, và một căn lều cộng đồng trong đó có khoảng một chục trẻ nhỏ ngồi trước một chiếc tivi cũ đan xem say sưa một bộ phim truyền hình bằng tiếng Hindi. Tôi cũng nhanh chóng bị cuốn hút.
Laxmi kéo tôi đi. “Thôi đi nào” cô bé ra mệnh lệnh. Còn nhiều thứ hơn để xem: lều y tế, lều để lương thực và căn lều mà cô bé, bố mẹ và anh chị em đang sống cùng ba gia đình khác.
Cô bé đặc biệt tự hào về lều văn phòng mà những đứa trẻ đã giúp trang trí với những bản tin với đầy ảnh chụp và những chiếc cúp thể thao có gắn nơ.
Tôi cũng được Laxmi giới thiệu với các bạn của em: Binita, người mơ ước trở thành tiếp viên hàng không, cô chị yểu điệu của Laxmi, Dabuthi, và hai anh em sinh đôi nhỏ mà cô bé hướng dẫn của tôi tiết lộ thầm vào tai rằng “rất thích kẹo sô cô la”.
Nhưng chính Laxmi đã chiếm trọn cảm tình của tôi. Cô bé vừa thông minh, vừa bướng bỉnh, nói năng đĩnh đạc và bình tĩnh. Cha của cô bé cũng có một tình cảm đối với cô bé giống như tôi: trên ngực ông là hình xăm vẽ chân dung con gái ông.
Háo hức chụp ảnh
Tôi đã đến thăm Trại Hy vọng thêm vài lần nữa. Có một lần tôi đem sô cô la cho hai đứa bé sinh đôi (và đương nhiên cho 79 em nhỏ khác nữa) và một lần nữa để vui lễ Diwali, một lễ hội xinh đẹp kéo dài năm ngày dành để tôn vinh Nữ thần Thịnh vượng Laxmi mà người bạn nhỏ mới của tôi được đặt tên theo.
Những ngày đầu tiên mọi người tôn vinh bò, chó và thậm chí là cả gà nhưng vào ngày cuối cùng của lễ hội, ngày bhai tika, các chị em gái chúc phúc cho các anh em trai được sống lâu và các anh em trai trao quà và chúc lại cho các chị em gái.
Tôi vinh hạnh được tham gia vào lễ hội. Theo nghi thức, trán tôi được vẽ dấu tika: một đường bảy màu dọc trán được vẽ bằng loại bột trừ tà.
Trong căn lều cộng đồng, buổi biểu diễn điệu nhảy truyền thống bắt đầu. Laxmi đứng phía sau tôi, một tay đặt lên vai tôi, chăm chú nhìn tôi khi tôi chụp ảnh. Cô bé nhẫn nại đợi đến lúc tôi bỏ máy ảnh lại vào trong hộp và sau đó vỗ vai tôi: “Cháu có thể chụp ảnh được không?”
Thông thường thì tôi sẽ chần chừ trước khi đưa máy ảnh cho một đứa trẻ. Nhưng Laxmi không bao giờ có vẻ là một đứa trẻ đối với tôi.
Tôi mở ống kính và chỉ cho cô bé cách tìm trọng tâm, cách kéo cận ảnh và xem lại ảnh. Đa phần những đứa trẻ sẽ háo hức gật gật đầu và không thể đợi đến lúc tay cầm được máy ảnh.
Tuy nhiên Laxmi theo dõi một cách nhẫn nại. Khi tôi hướng dẫn xong, cô bé đưa ống kính lên mắt, gật nhẹ và nhanh chóng bỏ xuống.
Những tấm ảnh không ngờ
Tại khách sạn Dwarika’s vào đêm đó, trong lúc chỉnh sửa lại ảnh, tôi đã cảm thấy khó hiểu.
Tôi không hề nhớ gì về việc mình đã chụp ảnh bố của Laxmi khoe hình xăm của ông ấy hay tấm ảnh động hơi bị nhòe chụp một bé gái đang nhảy múa trong chiếc váy lụa màu xanh.
Tôi đã chụp ảnh cô bé có vẻ mặt ủ dột đó giữa những thanh tre với cặp mắt u sầu nhìn vào nơi ở mới của cô bé, hay những cậu bé cười toe toét với dấu tika nhiều màu sắc trên trán vào lúc nào vậy?
Tôi không hề chụp.
Tôi sững sờ nhận ra rằng đó là tác phẩm của Laxmi Shrestha. Bên cạnh những năng khiếu khác, cô bé là một nhiếp ảnh gia bẩm sinh với đôi mắt chín chắn và sâu sắc.
Tôi nhìn chằm chằm vào những tấm ảnh cô bé đã chụp và chợt hiểu điều gì.
Tôi xem Trại Hy vọng là một khu nhà lưu động với những tấm lều vải bạt buồn tẻ nằm trên khu đất bằng phẳng, những con chó đi quanh quẩn theo lối mòn, một vài nhà vệ sinh nằm cạnh hàng rào kẽm gai.
Nhưng Laxmi đã cho tôi thấy nhiều hơn thế. Đối với cô bé, Trại Hy vọng là nhà. Nó là một mê cung, một sân chơi và một nơi để định hình, khám phá và hòa vào trí tưởng tượng sáng tạo.
Sự quyến rũ của khu trại
Tôi không hề biết Sindhupalchowk là như thế nào cho đến khi nơi này bị nuốt chửng vào lòng đất. Nhưng tôi chắc rằng, cũng giống như mọi ngôi làng khác, nơi đó gắn liền với những ký ức lâu đời và lưu giữ nhiều truyền thống.
Trại Hy vọng thì khác: đó là một môi trường mới – một nơi mà trẻ em và người lớn đã cùng nhau tạo dựng từ con số không. Nhiều thứ vốn làm cho ngôi làng trên núi của họ trở nên kỳ diệu – động vật, những bức tường đá cổ, những vách núi tạo thành bậc thang – đều không có ở đây. Nhưng ở đây có một sức quyến rũ khác mà tôi nhìn thấy qua đôi mắt của Laxmi.
Vào giữa tháng 11, sau ba tuần lễ ở Nepal, tôi quay về nước để viết bài.
Vào ngày trước khi tôi rời Kathmandu, Laxmi – với mái tóc thắt bím và mặc chiếc áo khoác được người ta cho – đã đưa tôi tới cổng của Trại Hy vọng. “Chúc chú đi đường bình an và viết bài tốt nhé,” cô bé nói một cách tha thiết. “Và hãy sớm trở lại”.
Tạm thời, ít nhất là đối với tôi, chuỗi những cuộc gặp tình cờ này đã dừng lại. Năng lượng của nó đã chảy vào một nhóm trẻ nông thôn mà chỉ mới một năm trước có thể không bao giờ biết được những vũ điệu của mảng địa tầng sẽ đưa các em đến đâu.
Theo BBC