Tinh Hoa

Nên nhai thức ăn bao nhiêu lần trước khi nuốt?

Nên nhai thức ăn bao nhiêu lần trước khi nuốt là điều tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Bạn có đoán được con số cụ thể không?

Trên thực tế, dù biết “nhai kỹ no lâu” nhưng hầu hết mọi người đều nhai thức ăn một cách cảm tính và không mấy quan tâm đến hậu quả của thói quen này. Những người ăn nhanh thường biện minh rằng thói quen xấu này sẽ giúp họ không bị muộn giờ làm, để tranh thủ làm việc khác, đặc biệt là bữa sáng và bữa trưa.

Họ ăn một cách vô thức khi cho thức ăn vào miệng, nhai 2-3 lần và nuốt rất nhanh mà không hề biết rằng, hành vi ăn uống bao gồm quy trình xé, nhai và nuốt thức ăn còn liên quan đến việc tăng cân, cùng với một số căn bệnh dạ dày và tiêu hóa.

Theo các chuyên gia sức khỏe, nhai thức ăn cũng nên được xem là một thói quen cần phải rèn luyện, đặc biệt là đối với trẻ em bước vào giai đoạn ăn cơm.

Trong cuốn sách về nhai đúng cách được xuất bản vào năm 1926, tác giả bác sĩ Leonard Williams đã lưu ý dạ dày luôn đòi hỏi thức ăn “phải được nghiền nhỏ ” và “chìm ngập trong nước bọt”. Mọi người nên nhai thức ăn đúng cách. Ngừa được nhiều loại bệnh tật nhờ thói quen nhai kỹ khi ăn.

 

Khi ăn, bạn thường cắn thức ăn ra thành miếng nhỏ, và nhai cùng nước bọt. Nước bọt giúp việc nuốt và tiêu hoá dễ dàng hơn. Tiếp đó thức ăn di chuyển xuống dạ dày, nơi tiết acid chuẩn bị cho sự tiếp nạp thực phẩm.

Bước tiếp theo, thức ăn di chuyển xuống đường ruột. Các chất dinh dưỡng và nước được hấp thụ ngay trên đường đi, còn phần chất xơ không thể tiêu hóa và một phần thức ăn được tiêu hóa sẽ bị tống ra khỏi cơ thể.

Mỗi lần đưa thức ăn vào miệng, bạn hãy nhai từ 15 – 32 lần tùy thuộc vào từng loại thực phẩm. Nếu các món ăn mềm không cần phải nhai quá lâu. Tuy nhiên, với rau quả tươi và thịt, bạn cần phải nhai kỹ hơn. Nếu không, thức ăn sẽ không được tiêu hoá hoàn toàn.

Nhai thức ăn đúng cách sẽ giúp chúng được tiêu hóa và chuyển hóa hiệu quả.  Khi đó, nguy cơ đầy hơi, một số bệnh liên quan đến dạ dày, tiêu hóa và đường huyết cao sẽ giảm thiểu.

– Khi ăn nhanh, nhai không kỹ thì thức ăn sẽ không được nghiền nhỏ, làm tăng gánh nặng cho dạ dày. Hơn nữa, đối với một số thức ăn có nhiều dầu mỡ hoặc cứng, dạ dày không thể nghiền nát chúng sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa thức ăn. Điều này không chỉ làm lãng phí chất dinh dưỡng trong thức ăn mà còn làm đau dạ dày. Một số tác hại do ăn nhanh, nhai không kỹ

– Khi nhai không kỹ thức ăn, bạn sẽ dễ bị nghẹn và không nhận thức được cơn đói tự nhiên cũng như các dấu hiệu báo no, qua đó dẫn đến nguy cơ ăn quá nhiều làm tăng nguy cơ béo phì. Và người ăn nhanh sẽ ăn nhiều hơn những người ăn chậm.

Theo suckhoenhi.vn