Tinh Hoa

NASA công bố kế hoạch đánh chặn thiên thạch tiến gần Trái đất

Hôm 30/6, NASA công bố kế hoạch phóng thử phi thuyền làm thay đổi quỹ đạo tiểu hành tinh tiến gần Trái đất với kỳ vọng tránh cho nhân loại khỏi những thảm họa chết chóc do va chạm với thiên thạch.

NASA đã công bố dự án mới với kỳ vọng tránh khả năng thiên thạch va chạm Trái đất. (Ảnh: Getty)

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết sẽ tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên trong dự án DART nhằm thay đổi hướng bay của tiểu hành tinh tiến gần Trái đất, CNN ngày 2/7 dẫn thông cáo của NASA cho hay.

DART là dự án hợp tác giữa NASA và Cơ quan nghiên cứu vật lý ứng dụng Johns Hopkins, có mục đích loại bỏ hiểm họa từ các tiểu hành tinh lớn hơn kích thước có thể bị bầu khí quyển Trái Đất đốt cháy.

Đây là dự án đầu tiên áp dụng kỹ thuật tác động động học nhân tạo của NASA. Nếu thành công, dự án sẽ mở ra khả năng đánh chặn các thiên thạch có nguy cơ va chạm với địa cầu trong tương lai.

Đối tượng của dự án DART là tiểu hành tinh Didymos, gồm hai vật thể, dự kiến tiến sát Trái đất vào năm 2022 và năm 2024. Đường kính của hai vật thể thuộc tiểu hành tinh Didymos lần lượt là 780 m (Didymos A) và 160 m (Didymos B).

Theo kế hoạch, trạm vũ trụ DART sẽ tiếp cận Didymos và đánh chặn vật thể Didymos B. Trạm vũ trụ DART sẽ va chạm trực tiếp với Didymos B ở tốc độ 6 km/s, tức nhanh gấp 9 lần tốc độ của một viên đạn.

Trạm vũ trụ DART sẽ tiếp cận Didymos và đánh chặn vật thể Didymos B. (Ảnh: ESA / Science Office)

Kỹ thuật tác động động học sẽ thay đổi tốc độ của thiên thạch bằng một tác động nhỏ vào tốc độ vốn có của nó. Tác động vào thời điểm phù hợp trước khi xảy ra va chạm sẽ khiến thiên thạch di chuyển xa khỏi Trái đất“, NASA cho biết.

Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu cú va chạm và các tác động mà DART gây ra cho Didymos B, từ đó quyết định khả năng ứng dụng xa hơn nữa kỹ thuật tác động động học trong bảo vệ Trái đất trước mối đe dọa từ các thiên thạch.

DART là bước tiến quan trọng cho thấy khả năng bảo vệ Trái đất khỏi hiểm họa do va chạm với các thiên thạch“, Andy Cheng, giám đốc Cơ quan nghiên cứu vật lý ứng dụng Johns Hopkins, cho biết.

Hoạt động của các thiên thạch từ lâu đã là trọng tâm trong nghiên cứu của NASA. Các kính viễn vọng và các cơ quan do NASA tài trợ theo dõi các vật thể vũ trụ, tính toán quỹ đạo và xác định liệu chúng có phải là nguy cơ cho địa cầu hay không.

Các thiên thạch với kích thước nhỏ đâm vào Trái Đất mỗi ngày và bị đốt cháy khi bay qua thượng tầng khí quyển. Tuy nhiên, những vật thể có kích thước lớn không bị đốt cháy sẽ gây ra thảm họa khủng khiếp nếu va chạm với “hành tinh xanh”. Theo tính toán, va chạm với vật thể có kích thước lớn hơn 1 km có khả năng gây ra tác động toàn cầu.

Theo Zing