Sạt lở đất là một hiện tượng tự nhiên âm thầm nhưng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, vì thế việc tạo ra một bản đồ về nó là cần thiết. Bản đồ sạt lở đất do NASA cung cấp có thể là một phương tiện hiệu quả hỗ trợ các quốc gia dự báo trước những trận lở đất có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người dân.
Những trận mưa kéo dài thường dẫn tới những hậu quả nguy hiểm không chỉ về lũ ống, lũ quét mà còn là những trận sạt lở đất vô cùng nguy hiểm, vùi lấp con người, gia súc và hoa màu.
Tuy nhiên không giống như các thiên tai như bão, núi lửa hay động đất được lịch sử ghi nhận, các trận sạt lở đất đôi khi không xảy ra ở quy mô lớn mà chỉ xuất hiện nhỏ lẻ tại những nơi có kết cấu đất yếu như vùng đồi núi. Chính vì vậy, NASA đã dần quan tâm hơn tới hiện tượng tự nhiên này.
Bắt đầu từ năm 2010, NASA đã phát hành một bản đồ về tình trạng sạt lở đất trên toàn cầu. Cơ sở dữ liệu được tổng hợp từ các báo cáo về tình trạng lở đất khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả vị trí của nơi xảy ra lở đất và thậm chí là loại mưa xảy ra tại khu vực đó.
Theo số liệu thống kê từ giữa năm 2007 và năm 2015, thế giới đã ghi nhận có hơn 25.000 người thiệt mạng do các vụ lở đất khắp nơi trên thế giới. Với dữ liệu bản đồ này, NASA hy vọng các nhà dự báo thời tiết địa phương có thể đưa ra được những cảnh báo chính xác và kịp thời nhất tới người dân địa phương để hạn chế tối đa thiệt hại do hiện tượng tự nhiên này gây ra.
Trong dữ liệu bản đồ thể hiện, các khu vực xảy ra sạt lở đất thường tập trung chủ yếu ở Châu Á và Đông Nam Á, nơi có mùa mưa kéo dài và hay chịu tác động từ các cơn bão nhiệt đới.
Theo VnReview