Tinh Hoa

Nắng nóng kéo dài, người dân lao đao vì thiếu nước

Từ đầu Tháng 6, thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Nước sinh hoạt ở Lý Sơn đang cạn kiệt khiến người dân phải chạy nước hằng ngày – Ảnh: Trần Mai

Dù nhà nào cũng có giếng đào nhưng gần như tất cả đã trơ đáy hoặc nhiễm mặn.

Theo UBND xã Tịnh Kỳ, khoảng 1.600 hộ dân đang trong tình trạng thiếu nước. Trong đó hơn 600 hộ dân ở thôn An Kỳ đang phải chạy nước từng bữa.

Trước tình trạng này, nhiều cơ sở bán nước sinh hoạt mọc lên ở xã Tịnh Kỳ. Vào buổi chiều và sáng sớm những cơ sở này hoạt động hết công suất, người dân chen chúc mua nước với giá 1.000 đồng/20 lít.

Bà Lê Thị Hà, 45 tuổi, thôn An Kỳ) thở dài: “Năm nào tới tháng này cũng phải mua nước về nấu ăn. Còn tắm giặt phải dùng nước giếng nhiễm mặn ở nhà. Nắng thế này vài tháng nữa là cũng khô luôn, lúc đó lại phải lo nước tắm giặt hằng ngày nữa”.

Tương tự, tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), nước sinh hoạt bắt đầu khan hiếm. Tại thôn Châu Bình, Châu Me, người dân phải đi chở nước từ thôn khác về sử dụng.

Một số hộ dân góp tiền lên các vùng núi khoan giếng tìm nguồn nước ngọt nhưng nắng nóng như thế này thì cũng chừng nửa tháng giếng sẽ cạn.

Tại huyện Lý Sơn, ngoài hai giếng nước cổ là giếng Xó La và giếng Vua không nhiễm mặn, phần lớn giếng của các hộ gia đình đều bị nhiễm mặn hoặc cạn trơ đáy.

Hiện nay có hơn 20 người làm nghề “phu nước” trên đảo chở nước bán cho các hộ dân. Ông Lê Văn Kiên, 60 tuổi, xã An Vĩnh, hành nghề phu nước hơn 10 năm qua, chia sẻ: “Chừng này năm ngoái một số giếng của người dân còn dùng được nhưng năm nay thì chịu”.

Ngoài các địa phương nói trên, tại một số xã ven biển như Bình Chánh, Bình Hải, Nghĩa An, Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi)… cũng đang trong tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt.

Tại một số xã ven biển như Bình Chánh, Bình Hải (huyện Bình Sơn), Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi)… cũng đang trong tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt – Ảnh: T.Mai

Ông Nguyễn Quốc Vương, chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn đã diễn ra nhiều năm. Những năm trước xã phải thuê xe chở nước cung cấp cho người dân.

Để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, xã đang xây dựng công trình nước sinh hoạt tại thôn Châu Me cung cấp cho khoảng 40 hộ dân, kinh phí gần 500 triệu đồng (10% nhân dân đóng góp).

“Dự kiến trong tháng 6 này sẽ đưa vào sử dụng, nhưng công trình này cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của dân. Về lâu dài phải có một hệ thống nước sạch được đầu tư đồng bộ mới giải quyết tình trạng thiếu nước vào mùa hạn”, ông Vương nói.

Tại huyện Lý Sơn, bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện, nói việc thiếu nước sinh hoạt ngày càng bức thiết với huyện đảo, nhất là các mạch nước ngầm bị nhiễm mặn vào mùa khô hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giếng nước.

Để giải bài toán này, bà Hương cho rằng phải có nguồn vốn đầu tư các hồ lớn tích trữ nước mưa để giữ nước phục vụ sinh hoạt, hạn chế sử dụng nước giếng để tái tạo mạch nước ngầm.

“Hiện huyện đã có văn bản gửi lên tỉnh, nếu được đầu tư thì mới giải quyết được tình trạng thiếu nước vào mùa khô đang ngày một trầm trọng”, bà Hương nói.

Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết toàn tỉnh có 21 xã bãi ngang ven biển, hằng năm có khoảng 100.000 người dân thiếu nước sinh hoạt vào mùa hạn, người dân phải bỏ tiền mua nước khoảng 20.000 đồng/m3, gấp bốn lần so với giá nước sinh hoạt ở thành phố.

“Hiện tại trung tâm đã đầu tư 19/21 xã với 27 công trình cấp nước sạch. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hiện nguồn vốn đầu tư rất ít, thậm chí một số dự án được phê duyệt xây nhưng thiếu vốn nên phải nằm chờ”, ông Minh giải thích.

Theo báo Tuổi Trẻ