Đây là câu chuyện đầy ám ảnh nhưng cũng vô cùng xúc động về một người phụ nữ phải chịu đựng hệ lụy từ nạn tảo hôn ở nơi mình sinh sống.
Tôi đã lớn lên ở Ethiopia nhưng tôi chưa bao giờ có tuổi thơ hay được đi học đàng hoàng. Khi 10 tuổi, tôi đã kết hôn với một cậu bé ở trong làng.
Nơi tôi ở có truyền thống kết hôn sớm. Vì mọi người ở đây tin rằng, các trẻ em gái càng kết hôn sớm thì người đó sẽ giữ nguyên vẹn trinh tiết và có cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn.
Khi tôi biết cha mẹ đã sắp đặt cho tôi một cuộc hôn nhân, tôi đã rất sợ hãi. Tôi còn không biết thế nào là một đám cưới hay chuyện sinh con sẽ như thế nào. Tôi chỉ là một cô gái thích đi học và chơi với bạn bè của tôi.
Góa phụ 13 tuổi với đứa con 1 tháng tuổi
Trở thành một ngươi vợ khi tuổi còn nhỏ đã khiến tôi đau buồn rất nhiều.
Vào năm 13 tuổi, tôi trở thành một người mẹ trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Tôi ở nhà chăm sóc con, làm công việc nhà và đi bộ để kiếm thức ăn và nước uống.
Chỉ một tháng sau khi con trai đầu lòng chào đời, chồng tôi bị giết chết trong cuộc nội chiến ở Ethiopia và tôi trở thành góa phụ.
Lúc đó, tôi chỉ mới 13 tuổi, không chồng, không thu nhập, không học vấn và có một đứa trẻ cần được chăm sóc. Tất cả những gì mẹ tôi có thể làm đó là động viên tinh thần tôi.
Khi tôi 15 tuổi, tôi bị bán đến Ai Cập để làm giúp việc trong một gia đình tại đây. Một năm sau, tôi bị bán sang London để làm giúp việc cho một gia đình khác.
Khi họ đi ra nước ngoài, họ giữ hộ chiếu của tôi, khóa tôi trong nhà và không để lại bất cứ đồ ăn hay tiền mặt nào.
Tôi tìm cách trốn thoát và gặp một người đưa tôi đến gặp cảnh sát.
Họ đã chuyển tôi tới bộ phận nhập cư nơi tôi xin tị nạn. Lúc đầu, dịch vụ nhập cư đã cố gắng đưa tôi vào một gia đình để họ nuôi dưỡng, nhưng tôi không thể chịu đựng được việc chuyển đến sống ở nhà một người lạ nào nữa.
Tôi muốn tự lập. Và quan trọng hơn, tôi muốn được đi học.
Vượt lên số phận
Học vấn là một công cụ giúp bạn thay đổi một cách mạnh mẽ, không phân biệt tuổi tác. Nó giúp bạn xác định bạn là ai; nó cho phép bạn vượt lên trên những rào cản cuộc sống đã đặt trước mặt bạn.
Sau khi đến Vương quốc Anh, tôi bắt đầu tham dự lớp học tiếng Anh đầu tiên. Tôi ban đầu có chút e ngại nhưng tôi muốn được đi học. Tôi không thể mô tả được cái cảm giác phấn khích khi có thể đọc và viết.
Tuy nhiên, sẽ mất nhiều năm để tôi hoàn thành chương trình học và trong thời gian đó, tôi không thể kiếm được một công việc. Tôi thiếu kỹ năng, kinh nghiệm chỉ vì tôi kết hôn từ khi còn nhỏ.
Tuy vậy, việc học giúp tôi nhận ra ước mơ của mình đó là hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái ở Anh bị tổn thương do nạn tảo hôn gây ra. Tôi đã thành lập quỹ dành riêng cho các nạn nhân của nạn tảo hôn để họ biết rằng họ không cô đơn.
Tôi nói với họ rằng không có gì đáng xấu hổ khi chúng ta lấy chồng sớm.
Đó không phải là sự lựa chọn của bạn. Hầu hết những người phụ nữ này đã bỏ lỡ mọi thứ trong cuộc sống; tất cả những gì họ biết là sợ hãi, bạo lực và đau khổ.
Để giúp họ bắt đầu lại, chúng tôi cung cấp cho những phụ nữ này những lời khuyên và hỗ trợ để nâng cao sự tự tin của họ và giúp họ xác định cũng như giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến họ.
Ví dụ, kỹ năng giao tiếp giúp họ tiếp cận các dịch vụ quan trọng như y tế, nhà ở trong cộng đồng. Và ngay cả những kỹ năng viết cơ bản cũng có thể tăng cơ hội kiếm được thu nhập ổn định.
Sau nhiều năm xa cách, cuối cùng tôi đã đến Ethiopia và gặp con trai tôi. Khi chúng tôi nói về chuyện tương lai, tôi nói với con mình rằng đừng lặp lại quá khứ giống như mẹ và tôi biết thằng bé sẽ không làm như vậy.
Mong ước của tôi bây giờ là tiếp tục tiếp thêm sức mạnh cho các nạn nhân khi họ kết hôn quá sớm để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và châu Phi là những quốc gia có nạn tảo hôn xảy ra nghiêm trọng nhất.
Mỗi năm, có đến 15 triệu cô gái bị ép thành hôn trước ngưỡng tuổi 18, thậm chí một số chỉ mới 6-8 tuổi. Bangladesh, Ấn Độ, Nepal và châu Phi là những quốc gia có nạn tảo hôn xảy ra nghiêm trọng nhất. Theo một khảo sát năm 2012 của Liên Hợp Quốc, có đến 30% phụ nữ ở Guatemala trong độ tuổi 20-24 kết hôn trước lứa tuổi qui định, và 39.000 trẻ em kết hôn mỗi ngày ở Ấn Độ. Nạn tảo hôn phổ biến ở nông thôn hoặc những khu vực có tỉ lệ mù chữ cao. Hầu hết, những cô bé bị ép bỏ học và kết hôn với những người đàn ông lớn tuổi hơn mình, có khi là gấp đôi số tuổi của các em.
Hiện nay nạn tảo hôn đang diễn ra trên 50 đất nước. Thật khó để hình dung ra địa ngục mà những cô bé này phải nếm trải mỗi ngày sau đám cưới.
Lamana, cô dâu nhỏ từ Cameroon thuộc Châu Phi, kết hôn ở độ tuổi 12 đau đớn kể lại rằng: “Mỗi lần anh ta muốn gần gũi tôi, anh ta đều đánh tôi, không cho tôi ra khỏi nhà. Tôi cảm thấy rất tuyệt vọng nhưng vẫn cố gắng sống”.
Ở Afghanistan, những cô dâu “nhỏ” đã tự thiêu để chấm dứt nỗi đau cùng cực không có hồi kết. Thật thương tâm khi đối với các em cái chết còn dễ chịu hơn sự sống.
Bố mẹ của những cô gái xấu số này tin tưởng rằng họ đã mang điều tốt đẹp nhất cho con gái mình. Nhưng dù chứng kiến sự khổ đau của các em, họ vẫn gượng ép con gái mình tiếp tục cuộc hôn nhân vì sợ định kiến của xã hội. Những cô gái trẻ này không có quyền được chọn.
Kết hôn trước độ tuổi cho phép đã vi phạm quyền trẻ em. Nó cướp đi tuổi thơ, sự trong sáng và những ước mơ về một tương lai tốt đẹp. Và những quốc gia như Ấn Độ, ngay cả sau 68 năm dành được độc lập từ tay người Anh, vẫn khiến người ta kinh ngạc về sự tụt hậu trong lối sống so với xã hội hiện đại, và cả sự “chậm chạp” trong việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng xảy đến với phụ nữ.
Hệ lụy của nạn tảo hôn được chia làm 3 loại chính:
Mang thai sớm và những biến chứng
Vì không được giáo dục về mang thai và an toàn sinh nở, nên rất nhiều cô dâu trẻ đã chết sau khi sinh hay trải qua những biến chứng nặng nề. Con của những người mẹ chưa đủ 18 tuổi thường chết trong năm đầu tiên. Nếu chúng sống sót, thì cơ thể thường còi cọc, thiếu chất dinh dưỡng và chậm phát triển.
Bạo lực gia đình
Những cô gái kết hôn trước 18 tuổi dễ có khả năng bị đánh đập, bạo hành, đe dọa hay lạm dụng tình dục bởi chồng của họ gấp đôi những người phụ nữ khác. Họ cũng chịu sự ngược đãi của gia đình chồng, đặc biệt là về vấn đề của hồi môn. Họ phải đối mặt với trạng thái căng thẳng tột độ, cuối cùng là nhập viện trong tình trạng kiệt sức.
Nghèo đói
Kết hôn sớm là khởi điểm của “vòng quay” nghèo đói. Các cô bé bị ép rời trường học khi còn nhỏ, nên các em thường thiếu kĩ năng để thoát nghèo. Thêm vào đó, sự ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe do tảo hôn đem lại, nguy cơ mắc bệnh và thiếu chất dinh dưỡng khiến cái nghèo trở thành nỗi ám ảnh hơn nữa.
Tảo hôn là một vấn nạn cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Người ta ước tính rằng tới năm 2050, thế giới có khoảng 1,2 tỉ cô dâu chưa đến tuổi vị thành niên, chiếm khoảng 20% nữ giới. Những cô gái này bị tổn thương nặng nề về tinh thần và thể chất.
Vì vậy, chúng ta, đặc biệt là chính phủ, quốc hội của các quốc gia có liên quan, hãy đứng lên và bảo vệ quyền lợi tối thiểu cho các em. Hãy diệt nạn tảo hôn và ban tặng cho các em nền giáo dục, một môi trường đầy đủ an toàn để các em có thể sống, phát triển và tận hưởng tuổi thơ của mình. Ngoài ra, các em có quyền được chọn lựa người san sẻ gánh nặng mưu sinh trong cuộc đời mà không có sự ép buộc hay những hủ tục xã hội nào đè nặng lên vai.
Chúc Di (t/h)