Tinh Hoa

Nạn cá độ bóng đá tại Việt Nam mùa Euro xuất hiện trên báo Pháp

Cứ đến mùa bóng đá, người dân Việt Nam lại nô nức “sống” cùng trái bóng. Nhưng song hành với nó chính là những vụ cá độ quy mô lớn, khiến cho nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí phải bán nhà vì thua trắng.

Giải bóng đá Euro 2016 thu hút rất đông người hâm mộ thể thao Việt Nam theo dõi hàng tối. (Ảnh: Internet)

Dưới đây là bài viết liên quan tới vấn đề cá độ bóng đá tại Việt Nam, đăng trên tờ báo AFP, một hãng thông tấn lớn của Pháp.

Tại một quán cafe nhỏ ở Hà Nội, Nguyen The Hoang nhớ lại vụ cá độ trong mùa Euro năm 2012 khiến ông phải đánh đổi hai ngôi nhà và một nhà hàng.

“Cá độ bóng đá khiến tôi mất gần nửa triệu đô”, AFP dẫn lời người đàn ông 58 tuổi kể. “Vợ tôi rất ghét bóng đá vì nó đã hủy hoại cuộc sống của chúng tôi”.

Người cha hai con hiện rửa bát trong khi vợ ông nấu phở bán ở một quán ăn vỉa hè nhỏ với thu nhập khoảng 200.000 đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, cuộc sống túng thiếu không ngăn được ông quay lại với niềm đam mê cá độ, và Euro 2016 không phải là ngoại lệ.

Dù số tiền đặt cược hiện giờ khiêm tốn hơn nhiều so với trước đây, ông cho hay tuần trước mình vẫn thắng gần gấp đôi số tiền 20 USD khi dự đoán đội tuyển Anh thắng Xứ Wales.

Ước mong được giàu lên nhanh chóng và tư tưởng vẫn còn nặng đỏ đen đã khiến nhiều người Việt bị cuốn vào vòng cám dỗ. Các vụ cá độ bất hợp pháp chủ yếu diễn ra trong những sự kiện thể thao lớn như World Cup và Euro với hàng triệu đô được trao tay và chuyển ra nước ngoài.

Rất khó để thống kê con số chính xác mà các tay chơi đã bỏ ra. Giới chức Việt Nam chưa đưa ra một ước tính nào và cũng có rất ít nghiên cứu khoa học về tệ nạn này.

Hồi đầu tháng 6, cảnh sát Việt Nam tiến hành chiến dịch truy quét một đường dây cá độ bất hợp pháp. Giới chức cho hay 23 người thuộc một băng nhóm đã bị bắt giữ với tổng số tiền cá độ là 340 triệu USD trong vòng 12 tháng qua.

Trong lúc Euro 2016 đang diễn ra sôi động thì các tiệm cầm đồ tại Hà Nội cũng chất đầy smartphone, xe máy, ôtô và thậm chí cả sổ đỏ khi những tay chơi cần tiền để đặt cược hoặc bù lại số tiền thua độ.

Cá độ bóng đá khiến cho nhiều người phải lao đao vì mất trắng. (Ảnh: Internet)

Nhiều người có thể rơi vào cảnh phá sản hay phải trốn chui trốn lủi vì bị nhà cái hay những tay đòi nợ thuê truy tìm tận nhà hoặc nơi làm việc cho đến tận cuối mùa giải.

“Cơn nghiện” cá độ bóng đá ở Việt Nam đã lan rộng khắp xã hội, từ các nhân viên văn phòng cho đến sinh viên và thậm chí các cầu thủ chuyên nghiệp. Như thường lệ, các nhà cái luôn là những người cuối cùng được hưởng lợi.

Ngoài mặt, Phuc là một chủ tiệm kim hoàn hợp pháp ở Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế, người đàn ông 55 tuổi này đang hành nghề cá độ trái phép, ăn 1% tiền hoa hồng cho tất cả những vụ đặt cược mà ông làm môi giới.

‘Lãi lớn’

Theo Phuc, mạng lưới môi giới sẽ thu tiền từ những người cá độ rồi chuyển tiền cho ông. Sau đó “các sếp lớn” có quan hệ với những tổ chức bất hợp pháp tại Hồng Kông và Đài Loan sẽ đặt tiền qua mạng.

Phuc dự kiến ăn hàng chục nghìn đô trong mùa Euro năm nay và theo chuỗi này, tiền thu được ước tính sẽ “cực lớn”.

Đó là nhờ những người như Tran Quoc Vinh, người 15 năm qua sống nhờ đánh bạc. Dù không phải là fan hâm mộ bóng đá, Vinh vẫn có một mùa Euro “thành công” khi số tiền đặt cược ban đầu 500 USD đã tăng gấp 10 lần sau vài trận bóng.

Bằng cách gửi tin nhắn hoặc chỉ cần nhấc điện thoại gọi một cuộc, Vinh có thể đặt cược hàng trăm đôla chỉ trong vòng vài giây.

Những tay môi giới của Vinh thường gom tiền cho anh vì tin tưởng anh sẽ trả.

“Môi giới sẽ chuyển tiền qua 2-3 cấp nữa”, Vinh giải thích thêm rằng các khoản thanh toán thường được xử lý sau vài ngày. “Cá độ là trò chơi của niềm tin. Chúng tôi dựa vào nhau để thành công”.

Trong những năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông Việt Nam, chủ đề có nên hợp pháp hóa và thu thuế từ việc đánh bạc đã được đưa ra tranh luận.

Phuc cho rằng các cuộc trấn áp của công an vào cá độ sẽ không bao giờ có hiệu quả.

“Luôn có cầu thì ắt sẽ có cung”, Phúc cười lớn.

Theo Vnexpress