Hơn 100 con hà mã chết, trôi dọc theo khúc sông trong một công viên quốc gia là một hiện tượng chưa từng thấy ở Namibia.
Theo ghi nhận của lực lượng chức năng công viên quốc gia Bwabwata thuộc vùng đông bắc Namibia, có khoảng 109 con hà mã chết từ ngày 7/10/2017.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc hà mã chết hàng loạt vẫn chưa được công bố, tuy nhiên nhiều người nghi ngờ rằng bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, từ động vật lây sang người, do trực khuẩn than (Bacillus anthracis) gây ra. Bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do trực khuẩn than có thể tồn tại trong nước hoặc đất trong nhiều năm, chúng xâm nhập vào cơ thể và sản sinh ra độc tố.
Giới chức nước này cũng nghi ngờ bệnh than bùng phát có thể là thủ phạm gây ra “thảm họa” cho quần thể này trong công viên.
Colgar Sikopo, giám đốc công viên và phụ trách quản lý động vật hoang dã tại Bộ Môi trường và Du lịch Namibia thì cho biết, những dịch bệnh trước đây ở Namibia chỉ giết chết một vài con hà mã và voi.
Tuy nhiên, ông Colgar nhận định: “Đây là tình huống mà chúng tôi đã từng thấy trước đây. Nguyên nhân của những vụ việc đáng tiếc này, chủ yếu xảy ra khi mực nước sông xuống quá thấp”.
Nhà chức trách ước tính, toàn bộ quần thể hà mã ở Namibia là khoảng 1.300 con vào thời điểm trước khi xảy ra hiện tượng “chết hàng loạt”. Do đó, với 109 con bị chết, số lượng loài này đã suy giảm gần 10%.
Số lượng hà mã chết có thể lớn hơn
Apollinaris Kannyinga, phó giám đốc phụ trách khu vực đông bắc công viên cho biết, ban đầu chỉ có khoảng 10 con hà mã chết vào cuối tuần trước, nhưng con số này đã tăng lên gấp 10 lần trong những ngày tiếp theo và chết hàng loạt tới 109 con là chưa từng thấy.
Các đợt bùng phát dịch bệnh là khá phổ biến ở công viên Bwabwata, Namibia nhưng chỉ thường xảy ra khi nước sông Kavango, nơi tìm thấy phần lớn những xác hà mã, giảm xuống ở mức thấp.
Pohamba Shifeta, Bộ trưởng Môi trường Namibia cho biết, tỷ lệ những con hà mã chết có thể nhiều hơn so với con số được đưa ra vì cá sấu và diều hâu đang ăn xác hà mã. Hiện tại, các bác sĩ thú y vẫn đang tìm kiếm và xác nhận nguyên nhân gây ra cái chết “hàng loạt” cho những con hà mã.
Bệnh than có thể là nguyên nhân hàng đầu?
Dù nguyên nhân hà mã chết hàng loạt chưa được làm rõ, nhưng theo nhiều người nhận định, 109 con hà mã chết có thể là do bệnh than bùng phát vì bào tử vi khuẩn phát tán hàng năm.
Bệnh than là một bệnh truyền nhiễm do một loại vi khuẩn gam dương, hình que gọi là Bacillus anthracis gây ra, có thể lây truyền từ súc vật sang người do ăn thịt các động vật mắc bệnh nhiệt than.
Theo các nhà nghiên cứu, mầm gây bệnh than theo tự nhiên có ở trong đất và thường ảnh hưởng đến các động vật nuôi và động vật hoang dã trên khắp thế giới.
Những bào tử vi khuẩn gây bệnh than phần lớn tồn tại trong đất trong nhiều năm trước khi chúng xâm nhập vào cơ thể động vật thông qua những vết thương hở.
Trên thực tế, dịch bệnh than bùng phát ở Uganda vào năm 2004 đã làm cho ít nhất 180 con hà mã chết. Gần đây nhất là vào năm 2016, hơn 2.300 con tuần lộc phải bỏ mạng sau khi bệnh than bùng phát ở Siberia.
Tại Namibia, hà mã là một trong những loài động vật đặc trưng giúp đất nước này thu hút nhiều du khách nước ngoài tới du lịch và tham quan.
TinhHoa tổng hợp