Vừa qua, các lãnh đạo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã đến các địa phương xem xét tình hình thực tế công tác thí điểm cải cách giám sát thể chế quốc gia, chuẩn bị cho sự thành lập “cơ quan phòng chống tham nhũng siêu quyền lực” vào năm 2018.
Ngày 18/12, truyền thông Trung Quốc đưa tin, 7 lãnh đạo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được phân bổ đến các địa phương điều tra nghiên cứu, lần lượt là Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Dương Hiểu Độ đến Ninh Hạ, Tứ Xuyên; Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Lưu Kim Quốc đến Hà Bắc, Sơn Đông; Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Tự Lệnh Nghĩa đến Thiểm Tây, Tân Cương điều tra nghiên cứu.
Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Tiêu Bồi đến An Huy, Phúc Kiến, Giang Tây; Thường ủy Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trâu Gia Di đến Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải, Hồ Nam, Quảng Đông, Hải Nam; Trương Xuân Sinh đến Ninh Hạ, Tứ Xuyên; Thôi Bằng đến Hắc Long Giang.
7 lãnh đạo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã đến Ban Kiểm tra Kỷ luật các cấp tỉnh, thành phố, huyện, xã, trao đổi với các quan viên giám sát kiểm tra kỷ luật, tìm hiểu tình hình thực hiện công tác thí điểm cải cách giám sát thể chế quốc gia.
Ngày 29/10, Tân Hoa xã đăng tải một phần của báo cáo công tác đệ trình lên Đại hội 19 của nguyên Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn cho biết:
“Công tác thí điểm cải cách giám sát thể chế quốc gia sẽ được triển khai ở các địa phương trên toàn quốc, thành lập Ủy ban Giám sát ở các cấp tỉnh, thành phố, huyện, xã.
Trong tháng 03/2018, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc sẽ ‘xem xét thông qua luật giám sát quốc gia, thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia, bầu chọn thành viên của Ủy ban Giám sát quốc gia, hợp nhất văn phòng Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật và Ủy ban Giám sát’.
Ủy ban Giám sát quốc gia sẽ giúp chiến dịch phòng chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình mở rộng từ nội đảng ra tất cả các lĩnh vực công chức. Ủy ban Giám sát quốc gia do ‘đảng thống nhất lãnh đạo’, không phải là cơ quan giám sát độc lập”.
Ủy ban Giám sát quốc gia được ngoại giới cho là ‘cơ quan phòng chống tham nhũng siêu quyền lực’, nó sẽ chỉnh đốn lại giám sát hành chính, phòng ngừa việc cơ quan phòng chống và xét xử tham nhũng nhận hối lộ, không hoàn thành trách nhiệm v.v.
Ngày 05/11, Tân Hoa xã lại đăng bài viết với nội dung khái quát công tác thí điểm cải cách giám sát thể chế quốc gia cho biết:
“Ủy ban Giám sát là ‘cơ quan chính trị’, không phải là cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp. Dựa theo định nghĩa của đảng, ‘cơ quan chính trị’ là cơ quan công tác của đảng, quan viên chính trị chính là đại biểu cho đảng.
Việc thành lập hệ thống giám sát thể chế quốc gia, được cho là sự mở rộng quyền lực của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Sau khi Ủy ban Giám sát được thành lập, sẽ xác nhập Cục Phòng chống tham nhũng, Bộ phận Phòng chống tham nhũng của Cơ quan kiểm sát. Đối tượng giám sát của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Trung ương sẽ được mở rộng từ quan viên của đảng đến toàn thể nhân viên công chức, quan chức chính phủ”.
Cuộc chiến chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của ông Tập trong nhiệm kỳ đầu tiên đã điều tra, truy tố hàng triệu người, chủ yếu là các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Khi luật giám sát quốc gia được thông qua vào tháng 3/2018, Ủy ban Giám sát sẽ trở thành công cụ đắc lực để chiến dịch của ông Tập vươn tới hàng triệu đối tượng bị nghi ngờ tham nhũng khác, kể cả các nhân viên làm việc tại các trường đại học hay công ty quốc doanh.
Công cụ chủ lực của ông Tập trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, vốn chỉ có quyền điều tra đối với 89 triệu đảng viên ĐCSTQ. Trong khi đó, Ủy ban Giám sát quốc gia sẽ là một cơ quan nhà nước có quyền lực rất lớn, có thể giám sát toàn bộ 62 triệu nhân viên trong biên chế của Trung Quốc, trong đó có rất nhiều người không phải là đảng viên.
Đầu năm 2018, các Ủy ban Giám sát sẽ được thành lập ở cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện trên khắp Trung Quốc nhằm đảm bảo “mọi công chức, viên chức thực thi quyền lực công” đều trở thành đối tượng bị giám sát.
Theo SCMP, Ủy ban Giám sát sẽ được quyền bí mật giữ người để điều tra trong ba tháng và có thể gia hạn thời gian giam giữ thêm ba tháng, tương tự quy định “song quy” giam giữ người để điều tra được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương áp dụng với các đảng viên trước đây. Hình thức giam giữ mới này được gọi là “lưu giữ”, trong đó thời hạn giam giữ cũng như quyền gặp luật sư của đối tượng bị giam giữ đều do Ủy ban Giám sát quốc gia quyết định.
“Điều này loại bỏ sự phân chia giữa đảng và nhà nước”, Carl Minzner, giáo sư nghiên cứu về luật và chính trị Trung Quốc tại Đại học Fordham, nhận định. “Tôi cho rằng điều này thể hiện sự hấp thụ một phần hệ thống luật pháp của các cơ quan đảng”.
Dự thảo luật giám sát quy định rõ rằng hoạt động của Ủy ban Giám sát quốc gia sẽ không bị điều chỉnh bởi Luật Tố tụng Hình sự, vốn cho phép nghi phạm được quyền tiếp xúc với luật sư trong các vụ việc liên quan đến cảnh sát, công tố viên hay tòa án.
Lê Hiếu (t/h)