Kể từ khi phong trào #MeToo được khởi xướng đến nay, rất nhiều nạn nhân của nạn quấy rối tình dục đã lên tiếng và tạo ra một hiệu ứng vô cùng mạnh mẽ. Năm 2018 vừa khép lại với nhiều biến động trong làng giải trí quốc tế. Trong đó, phong trào #MeToo đã trở thành mồ chôn danh tiếng của những ‘yêu râu xanh’ quyền lực.
Hàng loạt ông lớn Hollywood tiêu tan sự nghiệp
Người đầu tiên bị đứng lên tố cáo vì hành vi quấy rối tình dục là Harvey Weinstein, nhân vật quyền lực bậc nhất tại Hollywood. Sự nghiệp của nhà sản xuất phim Chúa tể của những chiếc nhẫn bắt đầu lao dốc không phanh kể từ tháng 10/2017 bởi loạt bài điều tra đăng trên tờ The New York Times và The New Yorker, mở màn cho chuỗi ngày tội ác của Harvey Weinstein bị bóc trần trước công chúng.
Tính đến nay, đã có hơn 100 phụ nữ đứng lên thừa nhận từng là nạn nhân của nhà làm phim 66 tuổi. Trong đó, Salma Hayek, Gwyneth Paltrow, Angelina Jolie… đại diện cho những minh tinh đình đám từng bị Harvey Weinstein gạ gẫm, quấy rối. Trong khi đó, Asia Argento và Rose McGowan không ngần ngại công khai quá khứ từng bị nhà sản xuất siêu phẩm Pulp Fiction cưỡng hiếp.
Sự việc bết bát của ông trùm làng phim ảnh nước Mỹ đã khiến “bố già” này phải tuyên bố phá sản công ty sản xuất phim hồi tháng 2/2018. Sau đó ít lâu, vào tháng 5/2018, Harvey Weinstein chính thức bị buộc tội tại tòa án lần đầu. Ông trùm sinh năm 1952 phải đóng 1 triệu USD (hơn 23 tỉ đồng) để được tại ngoại. Thế nhưng, Harvey Weinstein thường xuyên phải hầu tòa và đối mặt với hàng loạt cáo buộc chống lại mình. Chính những lời tố cáo này đã châm ngòi mạnh mẽ cho phong trào #MeToo và thúc đẩy phụ nữ từng là nạn nhân của quấy rối tình dục đứng lên tố cáo chống lại những “yêu râu xanh” trong đó có không ít những người đàn ông quyền lực trên thế giới, tạo thành “hiệu ứng Weinstein”.
Tiếp bước của Harvey Weinstein, đến lượt Bill Cosby phải trả giá cho những hành động tệ hại của mình. Từ một danh hài có ảnh hưởng lớn đến văn hóa đại chúng và được công chúng tôn vinh là “cha của nước Mỹ”, nam diễn viên da màu bỗng chốc biến thành tội đồ khi có ít nhất 60 phụ nữ lên tiếng khẳng định là nạn nhân của ông. Ngày 25/9, nghệ sĩ sinh năm 1937 chính thức nhận quyết định phạt tù vì tội tấn công tình dục.
Tháng 9/2018, CBS ra tuyên bố về vụ từ chức đột xuất của Lee Moonves. Quyết định của giám đốc nhà đài danh tiếng này xuất phát từ 2 bài báo tố cáo hành vi tấn công tình dục đăng trên tờ The New Yorker. Việc có tới 12 phụ nữ tố cáo nhà lãnh đạo đài truyền hình này quấy rối tình dục khiến ông phải trả giá bằng cả sự nghiệp và danh dự. Cũng vì quyết định này, Lee Moonves gia nhập danh sách những nhân vật quyền lực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của phong trào #Metoo ở Hollywood.
Kevin Spacey, một trong những nhân vật “máu mặt” nhất của màn ảnh xứ cờ hoa cũng chật vật suốt năm 2018 với hàng loạt cáo buộc liên lan đến hành vi quấy rối bị phanh phui vào cuối năm 2017. Hồi tháng 1/2019, tài tử phim Vẻ đẹp Mỹ đã phải hầu tòa vì lạm dụng tình dục con trai cựu nhà báo Heather Unruh. Bên cạnh sự việc lạm dụng trẻ vị thành niên, hơn 20 đơn tố cáo cùng lời buộc tội từ nam diễn viên Anthony Rapp đã khiến sự nghiệp của nam diễn viên từng 2 lần đoạt giải Oscar phải đặt dấu chấm hết.
Bên cạnh những cái tên đình đám kể trên, hàng loạt nhân vật tiếng tăm của nền công nghiệp điện ảnh Mỹ đã vướng phải những tố cáo liên quan đến vấn đề quấy rối, trong đó có hai tài tử kỳ cựu là Morgan Freeman và Sylvester Stallone. Dù sự việc chưa định rõ trắng đen nhưng uy tín và danh tiếng của họ đều bị ảnh hưởng không nhỏ.
Truyền thông từ Âu sang Á liên tục phanh phui chuyện quấy rối
Nếu cuối năm 2017 là thời điểm khiến cơn bão #MeToo vật đổ hàng loạt nhân vật quyền lực của Hollywood thì năm 2018 là thời gian mà phong trào này tác động mạnh nhất đến làng giải trí khắp thế giới. Chỉ trong vòng 12 tháng, đã có vô số tên tuổi từ Âu sang Á bị vạch trần hành vi sai trái.
Tại Pháp, hai cái tên đình đám bậc nhất là Luc Besson, nhà sản xuất loạt phim Taken, Transporter và Gérard Depardieu, một trong những tài tử hàng đầu của nền điện ảnh châu Âu đều lần lượt bị vạch trần hành vi quấy rối. Tuy nhiên, trái với làn sóng chỉ trích mạnh mẽ như vụ việc của Harvey Weinstein ở Mỹ, các “ông lớn” của điện ảnh Pháp lại không bị công chúng lên án gay gắt nhiều đến vậy. Nguyên nhân được truyền thông nước này lý giải rằng có thể do sự khác biệt giữa văn hóa tình dục của hai nước. Ngoài ra, tại Thụy Điển, đã có gần 600 nữ diễn viên trong đó có minh tinh từng đoạt giải Oscar Alicia Vikander đứng lên tố cáo thực trạng lạm dụng tình dục đã và đang ăn sâu vào nền công nghiệp điện ảnh nước này.
Tại châu Á, phong trào #MeToo phát triển mạnh mẽ và có sức sống bền bỉ nhất ở Hàn Quốc. Mở màn cho những vụ việc quấy rối, lạm dụng, tấn công tình dục tại làng giải trí xứ kim chi là scandal chấn động của tài tử gạo cội Jo Min Ki. Tháng 2/2018, nam diễn viên quyền lực này đã bị hơn 20 nạn nhân đứng lên phanh phui hành vi sai trái. Trước sức ép nặng nề từ dư luận, bị trường đại học sa thải, công ty quản lý chấm dứt hợp đồng, Jo Min Ki đã chọn cách tự tử để chối bỏ mọi trách nhiệm và trốn tránh khỏi tội ác đã gây ra.
Sau vụ việc của Jo Min Ki, hàng loạt cái tên nổi tiếng cũng bị phanh phui về hành vi quấy rối. Những câu chuyện tố cáo từ nạn nhân của các ngôi sao như: Oh Dal Soo, Choi Yong Min, Jo Geun Hyun, Lee Yoon Taek, Choi Il Hwa, Lee Seo Won… tràn lan trên mặt báo Hàn Quốc trong suốt năm qua.
Trong làng giải trí Hoa ngữ, những câu chuyện về quấy rối tình dục cũng bắt đầu được nhắc đến nhiều. Năm qua, Cao Vân Tường là ví dụ điển hình trong số những sao nam xứ Trung dính phải bê bối tình dục. Tháng 3/2018, tài tử phim Mị Nguyệt truyện đã bị bắt tại Úc vì hành vi cưỡng dâm tập thể. Đến nay, đã gần một năm kể từ khi sự việc được phơi bày, tài tử đình đám này vẫn đang chật vật ở xứ người để hầu tòa. Vụ việc chấn động này khiến Cao Vân Tường mất hết danh tiếng, sự nghiệp.
Cuối năm 2018, Nữu Thừa Trạch – gương mặt quyền lực của showbiz Đài Loan liên tục dính líu tới hàng loạt cáo buộc cưỡng hiếp. Sự nghiệp rực rỡ của nam diễn viên sinh năm 1966 bắt đầu đi đến hồi kết vào tháng 12/2018 khi một phụ nữ tố cáo nhà làm phim tấn công tình dục khiến vùng kín của cô bị tổn thương nghiêm trọng. Vừa hầu tòa ít lâu và tốn một món tiền khổng lồ để tại ngoại, Nữu Thừa Trạch tiếp tục bị hai nạn nhân khác công khai về hành vi sai trái. Cùng với đó, diễn viên Kha Hoán Thư cũng lần đầu tiết lộ chuyện từng bị đàn anh lợi dụng quay phim để cưỡng bức sau 11 năm im lặng.
#MeToo đang dần gây ra nhiều ý kiến trái chiều
Ngoài việc giúp nhiều nữ nghệ sĩ yếu thế trong ngành giải trí có thể mạnh dạn nói lên sự thật và đòi công bằng, #MeToo cũng bắt đầu gây ra nhiều tranh cãi.
Còn nhớ “bông hồng lai” Asia Argento, một trong số 13 phụ nữ đã cáo buộc ông Harvey Weinstein quấy rối và hãm hiếp đã từng khiến công chúng nể phục khi mạnh dạn vạch trần tội ác của ông trùm Hollywood này tại liên hoan phim Cannes hồi tháng 5/2018. Thế rồi chỉ vài tháng sau hành động được tung hô ấy, minh tinh người Ý lại khiến nhiều người bàng hoàng khi chính cô lại là thủ phạm của một vụ cưỡng hiếp khác mà nạn nhân là một nam diễn viên từng đóng vai con trai của mình. Đáng chú ý, để che đậy tội ác của mình, minh tinh đã chi 130.000 USD để bịt miệng người bị hại. Sự việc bị truyền thông Mỹ phanh phui khiến công chúng bắt đầu ngờ vực: liệu những nạn nhân của quấy rối tình dục đã thực sự trung thực về những việc họ đã trải qua?
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều nhân vật hoạt động lâu năm trong lĩnh vực giải trí cho biết phong trào #Metoo dường như đang đi quá xa. Trong một cuộc phỏng vấn với AFP hồi tháng 3/2018, đạo diễn Hollywood Terry Gilliam bày tỏ quan điểm rằng làn sóng lên tiếng này đã dần biến chất, trở thành chủ nghĩa đám đông. Sự phát triển của #Metoo cũng làm gia tăng khoảng cách giới, biến những giao tiếp tự nhiên trở nên gượng gạo và những lời khen xã giao như: “Hôm nay cô trông thật tuyệt” hay “Tóc mới của cô ổn đấy” trở thành một hành động khiếm nhã thậm chí bị quy chụp là quấy rối.
Nhà làm phim này bày tỏ quan điểm: “Harvey Weinstein đổi đời cho một vài người và một đêm với ông ta chính là cái giá phải trả. Khi bạn đã đồng ý đổi chác, có lý nào phải nhận mình là nạn nhân?”. Mặc dù mô tả phong trào #MeToo là “thái quá” và “ngu ngốc”, nhưng Terry Gilliam vẫn khẳng định Harvey Weinstein là một con quái vật và cảnh báo rằng vẫn còn những người khác trong ngành hành xử như hắn. “Tôi không thể nghĩ rằng Hollywood sẽ thay đổi, quyền lực luôn chiếm được mọi thứ, nó luôn luôn như vậy và sẽ luôn luôn như vậy”, nhà làm phim sinh năm 1940 nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nữ diễn viên kỳ cựu người Pháp Catherine Deneuve, một trong số 100 phụ nữ đã ký một lá thư công khai chỉ trích phong trào chống quấy rối #MeToo, lại quan điểm khác. Minh tinh 75 tuổi cho rằng phong trào này đã tạo ra một bầu không khí căng thẳng và nghiêm túc thái quá, nhiều khi khiến cho đàn ông bị trừng phạt một cách không công bằng do những hành vi tán tỉnh khờ khạo và vô tư của họ.
Theo Thanhnien