Theo thống kê, đa số các nghi can trước khi bị công an triệu tập về làm việc đều có sức khỏe bình thường. Nhưng sau một thời gian ngắn bị tạm giam để điều tra, người nhà nghi can nhận được thông tin con em mình đã trong cơn nguy kịch, được cấp cứu tại bệnh viện.
1/ Nghi can Lê Văn Hải (SN 1993, trú thôn 2, xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) tử vong tại bệnh viện vào tối ngày 13/12 sau 5 tháng bị tạm giam công an huyện Đắk Mil (Đắk Nông) để điều tra về hành vi ném đá xe khách.
Nguyên nhân ban đầu được xác định Hải chết do “nhồi máu cơ tim”.
Tuy nhiên, nguồn tin từ VOV, người nhà nạn nhân Lê Văn Hải cho rằng Hải đã tử vong với nhiều dấu vết bầm dập, trầy xước bất thường.
Ông Lê Văn Đức, cha ruột Lê Văn Hải cho biết trên báo VOV: “Lên thăm lần nào cũng thấy cháu rất khỏe. 11h ngày 13/12, nhận được tin xấu, tôi chạy lên Đắk Min, Đắk Min trả về đây, tôi chạy lên đây thì con tôi đang thở ôxy, cha con không nói gì được với nhau. Sau khi chết, bác sĩ nói với tôi là chia buồn với gia đình không cứu được. Trên người cháu có nhiều vết bầm dập, sưng cả cổ và người, nhưng bác sĩ vẫn nói với tôi là nhồi máu cơ tim”.
2/ Nghi can Đỗ Hoài Linh hôn mê sâu và tử vong vào ngày 17/12 sau 4 ngày làm việc với công an thị xã Phước Long (thuộc thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) vì nghi lấy trộm điện thoại của bạn nhậu.
Sau khi bị đưa về công an thị xã Phước Long, gia đình anh Linh không biết thêm thông tin gì khác. Vào khoảng 12h đêm ngày 5/12, anh Đỗ Hoài Vũ (em trai của anh Linh) nhận được tin báo anh trai mình đang phải nhập viện đa khoa tỉnh Bình Phước trong tình trạng nguy kịch.
Khi tới bệnh viện, anh Vũ thấy anh Linh nằm bất tỉnh phải thở bằng máy, toàn thân có nhiều vết bầm tím, đầu gối có vết xước và đầu sưng to. Anh Vũ chỉ được vào thăm anh Linh được 3 phút và bị đuổi ra ngoài; khi hỏi nguyên nhân khiến anh Linh bị hôn mê sâu thì được bác sĩ trả lời là “do men gan cao và suy thận cấp”.
3/ Nghi can Đoàn Thái Sơn (SN 1983, ngụ phường Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) tử vong khi đang trên đường đưa về cơ quan điều tra vì có đơn tố cáo Sơn chiếm đoạt 2,7 tỷ của Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk).
Theo tin từ báo Người Lao Động, anh Sơn trên đường về trụ sở công an làm việc thì “lên cơn hen suyễn” rồi tử vong tại bệnh viện.
4/ Nghi can Trịnh Xuân Quyền (16 tuổi, ngụ thôn 15, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) tử vong rạng sáng 19/11 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn) sau 2 tuần bị tạm giam để điều tra vụ mất xe gắn máy, nạn nhân tử vong với lý do “đột quỵ khi tập thể dục”.
5/ Nghi can Đỗ Đăng Dư (17 tuổi, ngụ tại thôn Đông Cựu, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Tp Hà Nội) tử vong vào ngày 10/10 tại bệnh viện Bạch Mai.
Công an TP Hà Nội xác định Dư do ‘rửa bát bẩn’ nên bị “bạn tù đánh dẫn đến tử vong”. Tuy nhiên, gia đình em Dư không đồng ý với kết luận này của công an TP Hà Nội.
Theo giám định pháp y ngày 5/11/2015 của Viện pháp y Quân đội kết luận: “Chấn thương sọ não do tác động của vật tày vào vùng trán phải; Tụ máu dưới da đầu, vùng trán phải kích thước 3cm x 2,5 cm; chảy máu não; tụ máu quanh lỗ chẩm gây chèn ép cuống não…
6/ Nguyễn Quảng Trường (43 tuổi, thị trấn Quốc Oai, Hà Nội) tử vong trước khi đưa vào bệnh viện vào ngày 3/8; sau 2 ngày tạm giam tại trụ sở công an huyện Quốc Oai (Hà Nội).
Chị Phùng Thị Tâm (SN 1975, vợ nạn nhân Trường) bàng hoàng trước cái chết của chồng. Chị cho biết chưa được gặp mặt chồng kể từ khi bị công an bắt đi, dù đã mấy lần lên thăm
7/ Nguyễn Đức Duân (SN 1982, trú tại thôn Tân Tiến, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) tử vong vào ngày 8/4 sau khi bị bắt giữ từ ngày 16/3, tạm giam tại công an huyện Khoái Châu để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích.
Trưa ngày 8/4, anh được đưa vào Trung tâm y tế huyện Khoái Châu trong tình trạng nhiều bộ phận trên cơ thể bị tím tái, mạch không bắt được, lòng tử giãn… Sau khi kiểm tra, bác sĩ xác định anh đã chết trước khi đưa vào bệnh viện.
Người nhà anh Duân bức xúc vì nghi ngờ cái chết của con em mình có nhiều điểm bất thường, vì thi thể có nhiều vết tím tái và người nhà không được thông báo cái chết của anh Duân, chỉ biết thông qua người thân làm ở trạm y tế nơi anh Duân cấp cứu.
Theo cơ quan chức năng Duân bất ngờ “sùi bọt mép và tử vong” ở nhà tạm giam sau giờ ăn cơm trưa.
8/ Nguyễn Văn Tình (39 tuổi, ngụ xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) – sau khi bị công an xã Kỳ Văn bắt giữ vào 4h sáng ngày 28/2 vì để điều tra về hành vi đánh bạc, anh Tình đã tử vong vào khoảng 9h cùng ngày trên đường chuyển tới Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh cấp cứu.
Theo ông Trần Khánh Dũng – Trưởng Công an xã Kỳ Văn cho biết, công an viên Bùi Ngọc Sơn khai trong quá trình làm việc để điều tra về hành vi đánh bài, gây mất an ninh trật tự, ông Sơn có tát vào má của anh Tình một cái, “nhưng chỉ đánh nhẹ”.
Vào ngày 21/3, công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã khởi tố Bùi Ngọc Sơn (35 tuổi, công an viên xã Kỳ Văn), Nguyễn Văn Thanh (46 tuổi) và Cao Ngọc Thảo (36 tuổi, công an cơ động xã) để điều tra hành vi Bắt giữ người trái pháp luật.
9/ Bà Nguyễn Hồng Lương (62 tuổi, ngách 55/37 đường Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) đã đột ngột tử vong vào ngày 2/4 sau khi đến trụ sở phường Điện Biên để phản ánh những sai phạm trong việc cấp sổ đỏ.
Qua hồ sơ ban đầu của công an quận Ba Đình gửi lãnh đạo CA TP Hà Nội, bà Lương đã “gây hỏa hoạn tự thương” trong nhà vệ sinh.
Người nhà cho rằng bà bị sát hại, còn phía UBND phường Ngọc Hà cho rằng bà “tự thiêu gây bỏng” dẫn đến tử vong.
Theo báo Tuổi Trẻ, kết quả khám nghiệm sơ bộ cơ quan chức năng đọc cho gia đình bà Lương nghe tại Bệnh viện 354 cho thấy, bà Lương bị gãy 5 xương sườn, tay chân bầm tím, bỏng tay chân và nửa người trên, đỉnh đầu bị rạn, phù nề mặt. Giấy chứng tử của bà Lương ghi nguyên nhân chết là “sốc bỏng không hồi phục”.
Ông Khởi (chồng bà Lương) kể lại rằng, khi nhận được tin dữ, ngay lập tức ông cùng người nhà đến bệnh viện nhưng một số công an đã ngăn không cho ông vào, mãi sau đó họ mới đồng ý cho vào với điều kiện không được nói to. Ông nghĩ chắc chắn phải có điều gì đó khuất tất, chứ nếu là một vụ tự tử thông thường thì chẳng có lý do gì mà không cho người nhà vào cả.
Trước đó, theo báo cáo tại Ủy ban thường vụ quốc hội của ông Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phòng chống tội phạm, thì chỉ từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014 đã có 226 người chết tại nhà tạm giữ, tạm giam của công an.
Theo Daikynguyenvn