Nhóm Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết, lực lượng an ninh Myanmar đã bắn súng phóng lựu (loại lựu đạn sử dụng ống phóng trên súng trường, cho phép tầm bắn dài hơn) vào người biểu tình ở thị trấn Bago khiến hơn 80 người thiệt mạng.
Tờ Myanmar Now cho hay lực lượng an ninh bắt đầu nổ súng, gồm súng phóng lựu ở Bago từ rạng sáng ngày 9/4 và tiếp tục trong buổi chiều, khiến 82 người thiệt mạng. Nhiều người dân buộc phải chạy trốn đến các ngôi làng lân cận để thoát khỏi sự truy quét của quân lính.
Các nhân chứng nói với truyền thông địa phương rằng, binh lính đã sử dụng vũ khí hạng nặng và bắn vào bất cứ thứ gì di chuyển. “Hành động này giống như một tội ác diệt chủng. Họ bắn vào mọi bóng người di chuyển trên đường”, Myanmar Now dẫn lời người tổ chức biểu tình Ye Htuti cho biết.
Thậm chí chính quyền quân sự còn không cho phép nhân viên cứu hộ tiếp cận thi thể của những người thiệt mạng. “Lực lượng quân đội chất đống các thi thể lên xe quân sự rồi chở đi”, AFP dẫn lời một người dân địa phương. Do đó số người chết thực tế sẽ khó được xác định chính xác.
Theo AAPP, tính đến nay đã có hơn 600 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2/2021. Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội, thiếu tướng Zaw Min Tun, hôm 9/4 cho biết họ chỉ ghi nhận 248 dân thường và 16 cảnh sát thiệt mạng.
Theo BBC, quân đội Myanmar đã sử dụng các biện pháp trấn áp người dân với mức độ bạo lực ngày càng tăng để duy trì quyền lực của mình. Các vụ đụng độ chết người gần đây nhất diễn ra ở Bago.
Các cuộc biểu tình trên quy mô lớn đã diễn ra trên khắp đất nước Myanmar kể từ khi quân đội giành quyền kiểm soát quốc gia Đông Nam Á này. Đồng thời chính phủ cũng ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.
Trước đó, các lực lượng vũ trang cho rằng đã có gian lận trên diện rộng trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2020, và việc lên nắm quyền của nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi, và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) là bất hợp pháp. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử đã bác bỏ cáo buộc này.
Ngày 9/4 vừa qua, nhóm nghị sĩ của chính quyền bà Aung San Suu Kyi, và đại sứ Liên hợp quốc của Myanmar đã kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra các động thái trừng phạt quân đội Myanmar, bao gồm việc gia hạn các biện pháp trừng phạt, áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và đặt ra vùng cấm bay đối với quốc gia này.
Cuộc họp của Liên hợp quốc cũng được cảnh báo rằng nhà nước Myanmar đang “trên bờ vực thất bại trong việc kiểm soát đất nước”.
Cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế Richard Horsey cho biết, những hành động của quân đội có thể đang đẩy đất nước Myanmar vào con đường mất kiểm soát và ‘vô chính phủ’.
Khánh Nghi (t/h)