Theo Reuters, Washington có thể dùng biện pháp hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao cho các công ty Trung Quốc mà ĐCSTQ lợi dụng vào việc giám sát, giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác tại Tân Cương.
Reuters cho biết, họ đã được xem một lá thư mà Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross gửi tới các lãnh đạo của một ủy ban quốc hội Mỹ gần đây. Trong thư, ông Wilbur Ross nói rằng, bộ của ông, có tham vấn thêm Bộ Ngoại giao và các bộ ngành khác, trong vài tuần tới có thể thông báo những thay đổi về chính sách xuất khẩu.
“Chúng tôi đang thực hiện rà soát khẩn trương và hy vọng sẽ công bố các sửa đổi đối với Các quy định Quản lý Xuất khẩu (EAR) vào cuối mùa thu này”, ông Ross viết trong thư gửi Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Dân biểu Chris Smith.
Ông Ross cho biết, việc rà soát nêu trên bao gồm đánh giá xem liệu có bổ sung các cá nhân, doanh nghiệp và các thực thể Trung Quốc khác vào danh sách những đối tượng phải tuân thủ các yêu cầu giấy phép đặc biệt hay không, và rà soát xem có cần thiết hay không việc sửa đổi chính sách cấp phép và cập nhật danh sách các công nghệ được kiểm soát để bảo vệ quyền con người.
Ông Rubio và Smith là lãnh đạo của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc hồi tháng 9/2018 đã viết cho ông Ross một lá thư thúc giục Bộ Thương mại phải mở rộng chế tài tại Trung Quốc vì chế độ này đang gia tăng đàn áp cộng đồng thiểu số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Theo Reuters, lá thư của ông Ross vừa qua là để phúc đáp lại thư của Thượng nghị sĩ Rubio và Dân biểu Smith.
Được biết, tháng 9/2018, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã phát đi thông báo bày tỏ quan ngại sâu sắc về “cuộc đàn áp tồi tệ” của chính quyền Trung Quốc tại Tân Cương và cảnh báo sẽ xem xét chế tài các quan chức cấp cao và các công ty Trung Quốc liên quan tới các cáo buộc lạm dụng nhân quyền.
Trước phản ứng của Mỹ, Trung Quốc đã kêu gọi các nước phải tôn trọng chủ quyền của họ và lập luận rằng Tân Cương đang phải đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng từ các phần tử Hồi giáo cực đoan và các phần tử đòi ly khai với âm mưu tấn công và khuấy động mâu thuẫn sắc tộc trong khu vực.
Nếu chế tài nêu trên được thực thi thì đây là động thái hiếm thấy của chính phủ Trump liên quan tới chấn nhiếp vi phạm nhân quyền.
Trước đó, vào ngày 20/9, chính phủ Mỹ cũng đã bất ngờ tuyên bố tiến hành trừng phạt đối với Bộ phát triển trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc và cá nhân lãnh đạo của cơ quan này vì mua vũ khí của Nga vi phạm biện pháp trừng phạt mà Washington đang áp đặt lên Moscow.
Theo Reuters, hôm 20/9, Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ đã đồng thời tuyên bố thực thi chế tài đối với Bộ phát triển Trang bị Quân đội Trung Quốc và người đứng đầu cơ quan này là ông Lý Thượng Phúc, đóng băng tài sản trong Bộ Phát triển Trang bị của ông Lý Thượng Phúc tại Mỹ thuộc quản hạt của Bộ Tư Pháp Mỹ; đồng thời, hạn chế thông qua hệ thống tài chính của Mỹ để quân đội Trung Quốc và cá nhân bị trừng phạt tham gia vào thị trường tài chính toàn cầu, đóng băng bất cứ tài sản và lợi ích nào cũng như cấm cung cấp thị thực Mỹ đối với ông Lý Thượng Phúc.
Được biết, ông Lý Thượng Phúc đang mang quân hàm Trung tướng, từng đảm nhậm chức Phó Tư lệnh Bộ đội Chi viện Chiến lược, làm việc trong ngành hàng không trên 30 năm, là con trai của nguyên lão quân đội Trung Quốc Lý Thiệu Chu.
Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Hằng Hà hôm 25/9 cũng trao đổi với tờ Epoch Times: “Lần trừng phạt này của Mỹ dù là đối với chỉnh thể Đảng Cộng sản Trung Quốc hay là cá nhân cao tầng trong Đảng thì đều là sự chấn nhiếp to lớn, vượt qua tất cả những trừng phạt trước đây”.
Theo Trithucvn