Theo Popular Science, một tập đoàn dược phẩm Mỹ công bố kết quả nghiên cứu trên trong tạp chí PNAS của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ hôm 30/6, họ tuyên bố đã tìm ra kháng thể có khả năng chống lại virus MERS-CoV nhờ thí nghiệm trên chuột.
Hình ảnh 3D của virus MERS-CoV. (Ảnh: Wikipedia)
Khi thí nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng chủng virus này không lây nhiễm cho chuột. Đây là một trở ngại lớn vì muốn tìm ra kháng thể chống lại MERS-CoV thì trước hết phải lây nhiễm chúng lên mẫu thí nghiệm.
Để làm được điều này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ VelociGene. Công nghệ này làm biến đổi virus, sau đó, họ truyền virus này vào chuột để tìm ra các kháng thể giúp chúng không bị lây nhiễm MERS.
Các nhà nghiên cứu cũng lây nhiễm virus này cho một loại chuột khác có tên là VelocImmune. Đây là một loại chuột biến đổi gene có khả năng tiết ra các kháng thể của người.
Các kháng thể do chuột VelocImmune tiết ra đem tác động lên số virus nguyên bản chưa bị biến đổi và đem lại kết quả tích cực. Kháng thể này ngăn chặn sự nhân bản của virus MERS-CoV. Trên các con chuột bình thường, nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng các chuỗi ARN của virus trong phổi của chúng cũng ít hơn. Điều này cho thấy mức độ nhiễm bệnh đã nhẹ hơn rất nhiều.
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tiến hành các thử nghiệm tiếp theo, bao gồm cả thử nghiệm lâm sàng trước khi hoàn chỉnh phương thuốc và đưa nó vào sản xuất đại trà.
Hội chứng Viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS) đang lây lan và có nguy cơ trở thành đại dịch. Kể từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện năm 2012 ở Arab Saudi, hơn 1.000 ca nhiễm khác đã được ghi nhận. Chỉ tính riêngHàn Quốc đã có hơn 30 ca tử vong trong thời gian gần đây.
Hiện khoa học vẫn chưa thể hiểu rõ cơ chế gây bệnh của Hội chứng này để tìm ra thuốc đặc trị. Tuy nhiên, với việc tìm ra kháng thể chống lại virus MERS-CoV, các nhà khoa học đều tin tưởng rằng sẽ sớm ngăn chặn MERS trở thành đại dịch trên toàn thế giới.
Theo VnExpress