(TNO) Vấn đề Biển Đông chỉ là một phần trong những mối quan tâm của Mỹ và Trung Quốc hiện nay và cả hai đều có xu hướng chọn cách hạn chế tối đa xung đột để đạt được mục tiêu của mình.
Trong Chiến lược quân sự quốc gia 2015, tướng Mỹ Martin Dempsey cảnh báo khả năng “thấp nhưng đang dần leo thang” về việc Mỹ tham gia vào một cuộc chiến tranh với một siêu cường cùng hậu quả to lớn, theo AFP ngày 2.7. Tuy nhiên khi trao đổi với Thanh Niên Online, các chuyên gia đều khẳng định xung đột quân sự khó xảy ra.
Khó có xung đột quân sự
Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với chuyên gia nghiên cứu về vấn đề quân sự, hàng hải và an ninh quốc gia, ông Robert Farley, Phó Giáo sư tại trường Patterson thuộc Đại học Kentucky (Mỹ) về cách ứng xử của Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông.
Theo ông Robert Farley, cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn xung đột quân sự tại Biển Đông. Tuy nhiên về phía Mỹ, lực lượng hải quân sẽ thách thức bất cứ yêu sách nào về lãnh thổ, còn lực lượng không quân cũng sẵn sàng thách thức các vùng nhận dang phòng không ở Biển Đông (ADIZ) nếu Trung Quốc lập ra.
Xung đột quân sự cũng có thể xảy ra nếu Trung Quốc phản ứng bằng vũ lực trước những động thái đó của Mỹ. Tuy vậy, nguy cơ thực sự có thể sẽ là các sự cố trên Biển Đông do những sai sót từ phía binh lính, thủy thủ đoàn và các phi công hai nước hoạt động tại khu vực này.
“Trung Quốc cần hiểu vấn đề không chỉ nằm ở họ. Chính phía Mỹ cũng cực kỳ nhạy trong vấn đề tự do hàng hải ở trên khắp thế giới, suốt hàng thế kỷ nay”, ông Farley nói với Thanh Niên Online. Điều này cũng thấy rõ trong báo cáo của Lầu Năm Góc hôm 26.3. Theo đó, quân đội Mỹ đã tiến hành các hoạt động thách thức yêu sách trên biển của 19 quốc gia, từ Trung Quốc cho đến Argentina, trong năm 2014.
Trong khi đó ông Maximilian Mayer tại Đại học Bonn (Đức), chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng khẳng định với Thanh Niên Online rằng sẽ không thể xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông cho dù cả hai thời gian qua có lời qua tiếng lại nhiều lần.
Trao đổi với Thanh Niên Online, thiếu tướng Hải quân Việt Nam Lê Kế Lâm cũng nói rằng Mỹ trên thực tế vẫn chưa muốn va chạm quân sự với Trung Quốc, ít nhất vào lúc này. Cũng như ông Robert Farley, ông Lê Kế Lâm đặc biệt cảnh báo chiến tranh sẽ xảy ra trong trường hợp một số sai sót cá nhân của các phía làm bùng phát mâu thuẫn.
Các bên đều mong muốn hạn chế tối đa nguy cơ xung đột quân sự. Theo ông Lê Kế Lâm, hiện tại bản thân Trung Quốc cũng chỉ “hăm dọa” chứ chưa hề dám chủ động sử dụng vũ lực tại Biển Đông.
Giải quyết bằng cách nào?
Nếu căng thẳng tại Biển Đông bị đẩy lên mức cao nhất, rất có thể nếu không phải dùng quân sự để đối đầu, một cuộc chiến tranh lạnh sẽ nổ ra trong khu vực này, báo Financial Times (Anh) ngày 10.6 lập luận.
Như vậy, một cuộc cạnh tranh quyền lực và sức ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng sẽ diễn ra xuất phát từ mâu thuẫn ở Biển Đông. Trong tình huống này, các nước sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp đối thoại, ngoại giao để giải quyết.
Ông Robert Farley cho rằng, xung đột chính giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông chủ yếu vẫn sẽ xoay quanh vấn đề quan điểm và pháp lý. Mỹ sẽ đưa vấn đề này ra bất cứ diễn đàn nào mà ở đó cho rằng động thái của Trung Quốc trên Biển Đông là không phù hợp. Khi đó, Mỹ sẽ tăng cường hệ thống đồng minh khu vực của mình, với mục tiêu tạo ra một liên minh chống Trung Quốc lâu dài, trong bối cảnh hiện nay các hoạt động xây đắp đảo nhân tạo đều dẫn tới sự không hài lòng trong khu vực đối với Bắc Kinh. Tiến sĩ Maximilian Mayer thì nhận định Biển Đông chỉ là một phần trong bức tranh lớn quan hệ Trung – Mỹ. Cả hai nước đều có các lợi ích chung và còn phụ thuộc lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực. Chính vì vậy, theo ông Maximilian Mayer, những căng thẳng về vấn đề Biển Đông giữa hai nước không có nhiều tác động tới quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho rằng trong “quan hệ nước lớn kiểu mới”, Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ xác định rõ đâu là xung đột cần thiết, đâu là lúc cần “làm bạn” với nhau. Theo ông Lê Kế Lâm, sắp tới tình hình sẽ tiếp tục diễn biến bằng những phát ngôn ngoại giao. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của kinh tế trong việc giải quyết tranh chấp này.
Theo đó, trong khi Trung Quốc sử dụng chiến lược “Một vành đai, một con đường” để giành thế chủ động trong sáng kiến Con đường tơ lụa thế kỷ 21, Mỹ cũng sẽ dùng các biện pháp cải cách kinh tế quốc tế để đối phó.
Trong cuộc tranh giành ảnh hưởng này, ông Lê Kế Lâm cho rằng, Việt Nam, Philippines, Đài Loan sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên với một chiến lược quan hệ đa phương và đối thoại hợp lý, các bên vẫn sẽ chủ động giữ mức độ xung đột tại Biển Đông ở một thang bậc nhất định, giải quyết quyết tất cả bằng luật pháp và quan hệ ngoại giao.
—————-
Trong bối cảnh nhiều chuyên gia dự báo về cuộc đua tranh sức ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, các nước liên quan trong đó đặc biệt Việt Nam nên có phản ứng thế nào để đứng vững? Cùng Thanh Niên Online lắng nghe ý kiến phân tích của PGS.TS Nguyễn Thị Quế và chuyên gia kinh tế cấp cao Bùi Kiến Thành trong kỳ 3: Việt Nam nên làm gì trong bối cảnh ‘quan hệ nước lớn kiểu mới’?
Nhật Đăng – Ngọc Mai |
Theo Thanh Niên