Theo hồ sơ đệ trình của Mỹ được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố hôm 11/01, Mỹ lưu ý rằng có tám doanh nghiệp Việt Nam cần phải đăng ký tư cách doanh nghiệp thương mại nhà nước theo các quy tắc thương mại toàn cầu.
Mỹ cho biết đang thông báo với WTO thay mặt cho Việt Nam, bởi vì Việt Nam đã không làm như vậy.
Trước đây Washington từng có động thái tương tự với một số công ty Trung Quốc bị nghi ngờ cạnh tranh bất chính, vì có quan hệ với chính phủ. Đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer đòi hỏi tăng cường tính minh bạch tại WTO.
Hồ sơ đệ trình của Mỹ định danh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), cũng như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco/SKYPEC) là những công ty lẽ ra phải được khai báo là doanh nghiệp thương mại nhà nước theo quy định của WTO.
Danh sách này bao gồm cả Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Việt Nam gia nhập WTO cách đây đúng 11 năm, vào ngày 11/1/2007, và theo chân Trung Quốc bằng cách chuyển hóa nền kinh tế của mình nhờ lao động giá rẻ và tăng trưởng thúc đẩy bởi xuất khẩu.
Việt Nam có thông báo với WTO về hai doanh nghiệp thương mại nhà nước vào tháng 4/2016, một hành động khiến Mỹ đặt câu hỏi về các công ty khác.
Tháng 10/2017, Việt Nam trả lời rằng hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trước đây đã được cổ phần hóa và hoạt động theo điều kiện kinh tế thị trường, không còn các ưu đãi mà họ từng nhận được trước đây.
“Ngay sau phản hồi của Việt Nam, Mỹ đã tìm hiểu một cách độc lập các tuyên bố của Việt Nam và, dựa trên thông tin có sẵn công khai, đã xác định rằng dường như có một số thực thể mà Việt Nam đã không chịu xác định là doanh nghiệp thương mại nhà nước”, Mỹ nói trong hồ sơ đệ trình.
Việt Nam đang thoái vốn khỏi hàng trăm công ty quốc doanh, một phần do nhu cầu bù đắp thâm hụt ngân sách và trong bối cảnh nợ công đang gia tăng, nhưng tiến độ vẫn chậm chạp, hãng tin Reuters cho biết.
Việt Nam đã tăng tốc các kế hoạch của mình, và bắt đầu năm 2018 bằng việc loan báo sẽ tư nhân hóa gần một nửa Vinafood II, công ty xuất khẩu gạo chính của Việt Nam, huy động khoảng 100 triệu USD trong vòng ba tháng.
Theo VOA