Trong chuyến thăm Philippines, Đô đốc Mỹ đã nói về kế hoạch gia tăng số lượng các cuộc tập trận quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ một chiến lược mới nhằm chống lại sự mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, đã nêu bật các nội dung quan trọng trong dự thảo Chiến lược an ninh biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc trong cuộc gặp ngày 26/8 với người đồng cấp Philippines, Tướng Hernando Iriberri.
Đại tá Restituto Padilla, một phát ngôn viên quân đội Philippines nói với báo giới rằng, dự thảo đã vạch ra một loạt hành động của Washington ở Biển Đông và Hoa Đông là tập trung vào việc bảo vệ “tự do của các vùng biển”, ngăn chặn xung đột và ép buộc, thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Một nguồn tin quân sự giấu tên cũng tham gia cuộc gặp giữa ông Harris và người đồng cấp Iriberri cho hay, Mỹ và Philippines dự kiến sẽ gia tăng quy mô, tần xuất và sự phức tạp của các cuộc tập trận trong khu vực.
Philippines đề nghị chỉ huy khu vực Thái Bình Dương của Mỹ giúp bảo vệ hoạt động đưa binh sĩ và đồ tiếp tế lên bãi Cỏ Mây mà nước này đang chiếm đóng bằng cách điều động các phi cơ tuần tra để Trung Quốc không gây cản trở.
“Nếu Mỹ bay quanh khu vực, chúng tôi sẽ không gặp rắc rối“, AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Votaire Gazmin cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 26/8. “Chúng tôi cần được giúp đỡ trong nhiệm vụ tái tiếp tế. Cách tốt nhất Mỹ có thể hỗ trợ là bằng sự hiện diện của họ“.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei. Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ nhưng tuyên bố có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do đi lại trên không và trên biển ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu các nỗ lực cải tạo đất hồi tháng 12/2013, nước này đã cải tạo hơn 1.170 ha đất trên một loạt các đảo nhân tạo ở Biển Đông tính đến tháng 6/2015, Lầu Năm Góc hồi tuần trước cho biết trong một báo cáo về Chiến lược an ninh biển khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ lo ngại rằng các đảo nhân tạo có thể bị sử dụng cho mục đích quân sự và có thể gây mất ổn định tại một trong những tuyến hàng hải thương mại lớn nhất thế giới.
Theo Dân Trí, VNE