Sau khi Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh cấm các công ty nước này bán linh kiện cho tập đoàn ZTE Trung Quốc, có chuyên gia nhận định ZTE sẽ chịu tác động mang tính hủy diệt vì công ty này tồn tại dựa vào các sản phẩm và phần mềm của Mỹ.
Lệnh trừng phạt đối với ZTE
Hôm thứ Hai (16/4), Cơ quan An toàn Công nghiệp Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ trực tiếp hay gián tiếp xuất khẩu của linh kiện thiết bị truyền thông cho tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông đa quốc gia ZTE Trung Quốc, lệnh cấm sẽ được kéo dài đến 7 năm.
Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố, ZTE đã vi phạm thỏa thuận trừng phạt với Iran khi vẫn gửi hàng hoá và công nghệ của Mỹ cho Iran. Năm 2017, dù đã nhận tội tại Toà án Liên bang tại Texas, nhưng ZTE vẫn không tuân thủ thỏa thuận với chính phủ Mỹ, vì vậy Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành lệnh cấm mới.
Các quan chức của Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra, trong thỏa thuận với Chính phủ Mỹ, ZTE đã hứa sẽ sa thải 4 nhân viên cấp cao liên quan và xử lý kỷ luật 35 người khác. Tuy nhiên, vào tháng Ba vừa qua ZTE đã thừa nhận rằng mặc dù họ đã sa thải 4 nhân viên cấp cao nhưng họ không áp đặt kỷ luật đối với 35 nhân viên khác hoặc giảm tiền thưởng của họ.
Mặt khác, theo tờ Financial Times, hôm thứ Hai cơ quan giám sát an ninh mạng của Anh đã đưa ra một công hàm với ngôn từ mạnh mẽ, cảnh báo các nhà kinh doanh viễn thông không sử dụng các thiết bị của ZTE, vì tập đoàn này thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, sẽ gây vấn đề về an ninh.
Cổ phiếu ZTE tạm ngưng giao dịch
Một ngày sau lệnh cấm của Mỹ, ZTE thông báo ngừng hoạt động tại thị trường chứng khoán Hong Kong và Thâm Quyến. Cổ phiếu các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động kinh doanh của ZTE cũng sụt giảm theo.
Trong một tuyên bố, ZTE cho biết họ đã biết lệnh trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ, đang đánh giá toàn diện về những tác động có thể xảy ra và tổ chức thỏa thuận “với các bên liên quan”.
Tờ thông tin tài chính Yicai của Trung Quốc đưa tin, Tập đoàn ZTE đã đưa ra một thông điệp nội bộ cho biết, tập đoàn đã thành lập nhóm công tác phản ứng khủng hoảng ngay từ khi mới thành lập. Hiện nay, tập đoàn đang phân tích và xây dựng các biện pháp đối phó trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Về vấn đề này, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã chú ý đến biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ZTE, và sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến phát triển và sẵn sàng để có những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc.
Đòn đánh ZTE “có tính hủy diệt”?
Theo các nguồn tin, ZTE bán thiết bị điện thoại di động cho AT & T, T-Mobile, và Sprint ở Mỹ. Đồng thời, ZTE tồn tại phụ thuộc vào nguồn linh kiện cung cấp từ các công ty hàng đầu của Mỹ như Qualcomm, Microsoft và Intel. Theo thống kê, ước tính 25% đến 30% linh kiện của ZTE, bao gồm thiết bị mạng internet và điện thoại thông minh, là nhập từ các công ty Mỹ.
Trang Jiemian của Trung Quốc chỉ ra, nếu không có công nghệ bộ vi xử lý di động của Qualcomm thì ZTE sẽ rất khó khăn để sản xuất điện thoại ở Mỹ. Thông tin cho rằng, “một khi biện pháp trừng phạt được áp dụng, chưa nói đến 7 năm, thậm chí chỉ 1 năm cùng có thể làm ZTE sụp đổ”.
Tờ Wallstreetcn của Trung Quốc trích dẫn lời một chuyên gia phân tích chứng khoán ngành công nghiệp điện tử cho biết, các sản phẩm như bộ chuyển đổi ADC/DAC, bộ điều biến, PLL hiệu suất cao, VGA trung tần mà ZTE cần hiện nay tại Trung Quốc không có doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thay thế.
Qua báo cáo của Chứng khoán CITIC Trung Quốc cho thấy, đa số các linh kiện quang như chip baseband, chip RF, bộ nhớ của ZTE là nhập từ Mỹ, vì vậy trong ngắn hạn lệnh cấm sẽ gây tác động đáng kể, việc giao dịch các đơn hàng chịu ảnh hưởng lớn.
Tờ Deutsche Welle bình luận , lệnh cấm sẽ gây tác động “mang tính hủy diệt” đối với ZTE. Nguồn tin trích dẫn lời cựu Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ Eric Hirschhorn nói, “nếu ZTE không thể giải quyết vấn đề này thì nhiều khả năng sẽ phải đóng cửa, nhiều ngân hàng và các công ty bên ngoài nước Mỹ cũng không muốn làm việc với họ”.
Theo Trí Thức VN