Tinh Hoa

Mỹ phản đối Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, hủy lời mời tập trận

Hôm 23/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích Mỹ “nông nổi” khi rút lời mời Bắc Kinh tham gia cuộc tập trận chung quốc tế tại Thái Bình Dương, nhằm phản đối hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông.

Tàu hải quân Trung Quốc tham gia tập trận RIMPAC năm 2016. (Ảnh: Getty)

Theo Wall Street Journal, quyết định rút lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) được Bộ trưởng Quốc phòng MỹJames Mattis đưa ra hôm 23/5 sau vài tuần thảo luận nội bộ tại Lầu Năm Góc.

Chúng tôi rút lời mời Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) cho cuộc tập trận RIMPAC như là phản ứng đầu tiên trước những hành động quân sự hóa liên tục gần đây của Trung Quốc trên biển Đông“, Reuters dẫn lời trung tá Christopher Logan, người phát ngôn Lầu Năm Góc.

Hành động của Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của tập trận Vành đai Thái Bình Dương“, ông nói thêm.

Ông Logan không nói cụ thể chính phủ Mỹ sẽ còn những phản ứng nào khác nhưng nhấn mạnh rằng có “bằng chứng mạnh mẽ” về việc Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị làm nhiễu sóng đến các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa.

Quan chức ngoại giao Trung Quốc tại Washington đã được thông báo về quyết định của Lầu Năm Góc. Đại sứ quán Trung Quốc từ chối đưa ra bình luận khi được hỏi về phản ứng của Bắc Kinh.

Trong khi đó, trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo ở Washington ngày 23/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích, đây là động thái “không mang tính xây dựng, nông nổi và không ích gì cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ“, và rằng hoạt động của Trung Quốc “có mức độ nhỏ hơn rất nhiều” so với những gì Mỹ làm ở Hawaii và Guam.

Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ thay đổi tư duy tiêu cực đó“, ông Vương nói trước báo giới. Vị Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, thông tin rút lời mời tập trận được đưa ra ngay trước cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng là thử thách mới nhất cho quan hệ song phương vốn đã bị tổn hại bởi những tranh chấp thương mại.

Đáp lại, Pompeo cho biết, ông đã nêu “mối quan ngại” của Mỹ về các hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông trong cuộc họp báo và sẽ để Lầu Năm Góc quyết định về các cuộc tập trận quân sự quốc tế.

Trung Quốc đã tham gia hai lần RIMPAC gần nhất vào năm 2014 và 2016, kết quả của nỗ lực từ cả hai phía từ năm 2010 nhằm ổn định quan hệ quốc phòng giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng xung quanh vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Bắc Kinh hồi tháng 1 thông báo đã chấp nhận lời mời tham gia RIMPAC năm 2018 của Mỹ.

Quyết định hủy lời mời Trung Quốc tham dự RIMPAC 2018 là một thông điệp chính trị hết sức rõ ràng thể hiện sự bất bình của Washington. “Tôi nghĩ việc loại bỏ Trung Quốc khỏi RIMPAC là một thông điệp chính trị lớn“, một thượng nghị sĩ Mỹ tuyên bố.

Năm 2014, Mỹ từng hủy bỏ lời mời Nga tham dự RIMPAC sau khi nước ngày sáp nhập bán đảo Crimea, lãnh thổ trước đó thuộc chủ quyền của Ukraine.

Cuộc tập trận RIMPAC tổ chức 2 năm một lần tại Hawaii, với sự tham gia của hàng chục quốc gia, là biểu tượng của sự hợp tác quân sự quốc tế. Dự kiến, 27 quốc gia sẽ cử binh sĩ tới tham dự và quan sát cuộc tập trận RIMPAC 2018 diễn ra vào tháng 6.

Tú Văn (t/h)