Mỹ – Nhật vừa kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết về “đường lưỡi bò” của Tòa trọng tài thường trực (PCA). Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn “chống chế” bằng lập luận cũ rằng người Trung Quốc đã có mặt ở đây hơn 2000 năm trước.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 12/7 tuyên bố, Tokyo ủng hộ tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và việc sử dụng các cách hòa bình để giải quyết tranh chấp thay vì sử dũng vũ lực và bắt nạt.
Tokyo cũng cho biết quân đội nước này sẽ giám sát chặt chẽ hành động của Trung Quốc sau phán quyết.
“Chúng tôi yêu cầu các bên phản ứng theo cách không gây căng thẳng. Chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình”, Bộ trưởng quốc phòng Gen Nakatani nói.
Trong khi đó, Mỹ thông báo vẫn đang nghiên cứu phán quyết về biển Đông và không bình luận về giá trị vụ kiện, nhưng ủng hộ giải quyết tranh chấp ở biển Đông thông qua biện pháp hòa bình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby kêu các nước tham gia UNCLOS chấp nhận quá trình giải quyết và phán quyết từ tòa là cuối cùng, có tính ràng buộc pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc.
Trước đó, các nước châu Âu, Ấn Độ, Úc… đều yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ phán quyết của PCA.
Tuy nhiên, Trung Quốc cùng ngày tuyên bố bác bỏ phán quyết, khẳng định các đảo nhân tạo mà nước này xây trên Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và tiếp tục luận điệu cũ rằng người Trung Quốc đã có mặt ở đây hơn 2000 năm trước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định, nước này “cống hiến cho duy trì hòa bình và ổn định” ở Biển Đông nhưng sẽ “không chấp nhận những quan điểm hoặc hành động dựa trên phán quyết từ tòa án liên quan đến tranh chấp“, Reuters đưa tin.
Reuters dẫn lời bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Bắc Kinh có chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, và tuyên bố này của Trung Quốc phù hợp với luật lệ quốc tế.
Trước đó, người phát ngôn Lu Kang của Trung Quốc cũng mỉa mai: “Cái gọi là phiên tòa phân xử ngay từ đầu đã được thiết lập trên cơ sở hành động trái luật của Philippines. Sự tồn tại của nó đã bất hợp pháp thì bất cứ phán quyết nào của nó cũng vô giá trị”.
Theo Tuổi Trẻ