Trong khi 30% số người trưởng thành ở Mỹ, tức 73 triệu người, đang chật vật kiếm sống để trả các chi phí ngày càng tăng cao, những người già đang ôm cả núi tiền lại ngày càng “hà tiện”.
Người già ngày càng “hà tiện”
Nghỉ hưu thường được coi là thời điểm mọi nguời sống để hưởng thụ và tiêu tiền. Tuy nhiên, hàng triệu người Mỹ về hưu hiện không sống như vậy. Họ không chi tiêu mạnh tay như thế hệ trẻ dù nhiều người giàu có hơn nhờ cổ phiếu và bất động sản.
Theo kết quả của một nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi Đại học Michigan, nhiều người về hưu Mỹ vẫn tiếp tục tiết kiệm ngay cả sau khi họ về hưu. Một người Mỹ trên 60 tuổi mỗi năm giảm chi tiêu thêm 2,5%, sau 10 năm, mức chi tiêu của họ giảm đến hơn 20%.
Kết quả, hàng triệu người già Mỹ dù có tiền nhưng lại sống một cách cực kỳ tiết kiệm. Vì thế, nếu điều chỉnh với lạm phát hàng năm, nhiều người Mỹ ở độ tuổi ngoài 80 lại giàu có hơn so với khi họ ngoài 60 hay 70 tuổi.
Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc người Mỹ đang chết cùng với số tài sản nhiều hơn so với trước đây, càng làm tăng yếu tố bất bình đẳng liên quan đến tài sản thừa kế.
Năm 2016, một nghiên cứu của Journal of Financial Planning cho thấy, 1/5 số người nghỉ hưu giàu nhất nước Mỹ tiêu ít hơn 53% khả năng họ có thể chi trả. Con số này với những người nghỉ hưu có thu nhập trung bình là 8%.
Các nghiên cứu khác đưa ra lý do của tình trạng này rằng, những người đã về hưu muốn để lại một khoản thừa kế hay lo lắng về bệnh tật trong tương lai, họ sợ tiền mặt sẽ hết nhanh.
Theo Cục dự trữ Liên bang Mỹ, năm 2016, tổng tài sản của người Mỹ và các tổ chức phi lợi nhuận đạt 93.000 tỷ USD. Trong đó, khoảng 25.300 tỷ USD là dành cho việc nghỉ hưu. Nếu số tiền này không bao giờ được tiêu, đây sẽ là một vấn đề lớn với nền kinh tế Mỹ.
Người trẻ đang gặp khó
Trong khi người già ở Mỹ giàu có như vậy, người trẻ lại nghèo khó hơn. Theo nghiên cứu công bố bởi Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), một người đàn ông Mỹ gia nhập thị trường lao động vào năm 1983 kiếm được số tiền ít hơn 19% so với người có trình độ học vấn tương đương nhưng bắt đầu đi làm vào năm 1967. Và ở hiện tại, tình trạng sụt giảm thu nhập vẫn tiếp tục kéo dài.
Còn theo báo cáo vừa được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khoảng 30% số người trưởng thành ở Mỹ, tức 73 triệu người, gặp khó khăn về tài chính.
Fed nhấn mạnh đến việc chi phí chăm sóc y tế tăng đang tiếp tục tác động đến người Mỹ, khi 10% số người trưởng thành, hay 24 triệu người, đang mắc nợ do khoản chi cho y tế phát sinh vào năm 2016.
Chi phí giáo dục tăng cũng là một khó khăn lớn khác, với hơn một nửa số người trưởng thành đã học đại học đang mắc nợ.
Như vậy, có thể thấy người trẻ Mỹ không tiết kiệm được nhiều khi chi phí cuộc sống cao mà thu nhập của họ lại thấp hơn so với các thế hệ trước.
Theo tinmoi24