Virus Ebola có nguy cơ lan truyền qua các giọt lơ lửng trong không khí khiến số ca nhiễm Ebola trong năm 2014 gia tăng với tốc độ chưa từng thấy, các chuyên gia lo ngại.
Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC) là Tom Frieden bày tỏ những lo ngại về khả năng virus Ebola có thể lây lan trong không khí. Tiến sĩ Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Chính sách về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) cũng chia sẻ quan điểm này.
“Đây là mối bận tâm đặc biệt nhất trong 40 năm làm nghề chăm sóc sức khỏe cộng đồng của tôi. Trong sự nghiệp của mình, tôi không thể nghĩ ra được thứ gì, kể cả HIV, có khả năng hủy hoại thế giới nhiều hơn virus Ebola nếu nó có thể truyền nhiễm qua đường hô hấp”.
Cách đây không đầy 2 tháng, CDC đã cập nhật tiêu chuẩn đánh giá về điều kiện truyền nhiễm Ebola, trong đó có nêu khả năng lây bệnh “trong phạm vi 0,9 mét” hoặc “cùng phòng” với ai đó nhiễm virus.
Một nghiên cứu tiến hành năm 2012 cho thấy, virus Ebola có thể di chuyển qua lại giữa lợn và khỉ, vốn được nhốt ở các chuồng riêng rẽ mà không tiếp xúc trực tiếp. Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC cách đây 2 năm, tiến sĩ Gary Kobinger đến từ Phòng thí nghiệm Vi sinh vật Quốc gia thuộc Cơ quan Quản lý Sức khỏe Cộng đồng Canada tin rằng, Ebola có thể lây lan qua các giọt lơ lửng trong không khí.
Chuyên gia này giải thích, ông và cộng sự nghi ngờ Ebola đang truyền nhiễm thông qua các giọt lớn, có thể ngưng đọng trong không khí, dù không lâu và không thể dịch chuyển xa. Tuy nhiên, những giọt chứa virus này có thể được hấp thu qua đường hô hấp của người khiến họ nhiễm bệnh. Nghiên cứu được thực hiện trên chủng virus Ebola nguy hiểm nhất là Ebola Zaire.
Tuy nhiên, chủng virus Ebola đang hoành hành tại Tây Phi hiện không phải là Ebola Zaire, mà là một chủng mới. Theo CDC, chủng virus này giống Ebola Zaire khoảng 97% về mặt di truyền.
Đây là lí do khiến tiến sĩ Gil Mobley, một chuyên gia về bệnh dịch học Mỹ, nhận định CDC đang “ém nhẹm” mức độ đe dọa của Ebola đối với nước Mỹ.
Dẫu vậy, trong một đoạn phim mới được tiết lộ, CDC đang rất quan ngại về khả năng truyền nhiễm trong không khí của Ebola. Các nhân viên hàng không đã được yêu cầu cung cấp khẩu trang phẫu thuật cho bất kỳ ai nghi ngờ nhiễm virus để “giảm thiểu số lượng giọt bắn vào không khí thông qua trò chuyện, ho hoặc hắt hơi”.
Chuyên gia virus học Charles L. Bailey, người vào năm 1989 đã giúp chính phủ Mỹ giải quyết một đợt bùng phát Ebola, chia sẻ những lo ngại với LA Times: “Chúng ta biết thực tế virus có mặt trong đờm nhưng chưa ai thực hiện nghiên cứu bác bỏ việc ho hoặc hắt hơi là phương thức gây truyền nhiễm”.
Nhiều chuyên gia đang hoài nghi về các khả năng lây lan của Ebola và đặt câu hỏi “Nữ y tá người Tây Ban Nha đã trở thành người đầu tiên trên thế giới nhiễm Ebola bên ngoài châu Phi như thế nào?”.
Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Tây Ban Nha giải trình về cách nhân viên y tế này bị lây bệnh, nếu virus không phải lây lan trong không khí.
Các chuyên gia cũng muốn làm rõ cách thức nhiễm bệnh của nhân viên quay phim thuộc hãng thông tấn NBC, vốn mặc đồ bảo hộ kín toàn thân. Việc giải quyết các vấn đề này rất cần thiết trong bối cảnh Mỹ và các nước khác chưa chắc chắn về khả năng loại trừ nguy cơ bùng phát Ebola trên chính đất nước họ.
Theo khoahoc.com.vn