Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các chiến dịch hacker và tuyên truyền tin tức sai lệch có liên quan đến chính quyền Nga và Trung Quốc đang ngày một trở nên rõ rệt.
Điều này nhấn mạnh những cảnh báo về nạn tấn công mạng mà các nền dân chủ phương Tây thường không đề phòng chu đáo.
Ngày 16/7, chính phủ Mỹ, Anh và Canada cho biết, một nhóm hacker liên quan đến tình báo Nga, đã nhắm vào các phòng thí nghiệm điều chế vaccine phòng ngừa COVID-19, nhằm đánh cắp công trình nghiên cứu.
Trước đây, chính quyền Hoa Kỳ đã từng cảnh báo với các tổ chức nghiên cứu, về nỗ lực muốn lấy được thông tin vaccine phòng ngừa, và liệu pháp chữa trị COVID-19 của các hacker Trung Quốc.
Trong lúc cả Trung Quốc và Nga đang phải đối mặt căng thẳng leo thang với các quốc gia phương Tây, thì chính quyền 2 nước đã tận dụng không gian mạng như một yếu tố phòng hộ, bên cạnh các lĩnh vực quân sự và kinh tế. Họ đều có các đơn vị tác chiến không gian mạng trong các tổ chức quốc phòng và tình báo, 2 quốc gia này được cho rằng đã sử dụng các khu vực tư nhân, và tổ chức tội phạm để phục vụ cho công tác hack dữ liệu.
Trung Quốc được cho là có một “đội quân hacker”, với số lượng lên tới 100.000 người, đã nhiều lần đánh cắp các thông tin nhạy cảm. Tập đoàn Mitsubishi Electric và NEC của Nhật Bản đã báo cáo các vi phạm, nhắm vào các hoạt động quốc phòng của họ trong năm nay, được tình nghi là do Trung Quốc thực hiện.
Trong khi đó, các nhà chức trách châu Âu và Mỹ đều đang lo ngại hơn bao giờ hết, trước các chiến dịch tuyên truyền thông tin trực tuyến sai lệch, nhằm gây nhiễu loạn luồng quan điểm dư luận.
Tháng 6/2020, Liên minh châu Âu đã ban hành một báo cáo, cáo buộc Trung Quốc và Nga đang tuyên truyền các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19.
Ngày 16/7, chính quyền Anh cho biết những người nhận nhiệm vụ phía Nga đã tìm cách can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử năm 2019 bằng cách, lan truyền trên mạng xã hội một báo cáo nội bộ của chính phủ bị thu thập bất hợp pháp.
Năm 2016, chính quyền Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thông qua các cuộc tấn công mạng và thao túng dư luận trên mạng xã hội. Các nhà lập pháp Mỹ đang lo ngại, về những can thiệp từ Nga và Trung Quốc vào cuộc bầu cử Tổng thống của nước này vào tháng 11/2020.
Mặc dù Mỹ đã thi hành các lệnh trừng phạt đối với Nga vì “những hoạt động không gian mạng nguy hại”, nhưng dường như chính quyền Moscow vẫn chẳng hề bận tâm và nản lòng.
Trên thực tế, các quốc gia dân chủ thường không có nhiều lựa chọn để bảo vệ bản thân khỏi những hành vi tấn công mạng như thế này.
Các nền tảng mạng xã hội đã siết chặt công tác giám sát sau cuộc bầu cử năm 2016, nhưng phần lớn đang bị mắc kẹt trong thế “vờn chuột”. Gần đây, Twitter tuyên bố đã xóa gần 200.000 tài khoản có dấu hiệu rõ ràng được chính quyền nhà nước hậu thuẫn, nhằm đăng tải hoặc khuếch đại các tin tức tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc và Nga.
Một quan chức cấp cao của NATO cho biết, lựa chọn thực sự duy nhất để đảm bảo được tính an ninh mạng là phải xác định rõ rằng, sẽ cần chống trả lại các cuộc tấn công mạng, để khiến những kẻ tấn công phải suy nghĩ lại về hành vi của mình.
Nhưng sự răn đe này, chủ yếu được áp dụng cho những cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng. Sẽ không đủ nguồn lực để thâu tóm trọn vẹn mọi chiến dịch gián điệp, hoặc tuyên truyền sai lệch trên mạng.
Việt Anh (Theo Asian Nikkei)