Tổ chức tự do ngôn luận FIRE mới đây đã kêu gọi Đại học Syracuse chấm dứt hành vi vi phạm tự do ngôn luận sau khi sa thải Giáo sư Zubieta vì sử dụng cụm từ “virus ĐCSTQ” và “cúm Vũ Hán”. Đáng chú ý là, Syracuse là trường đại học tại Mỹ chứ không phải Trung Quốc. Vì vậy, vụ việc này đã làm dấy lên lo ngại về ‘quyền lực ngầm’ của ĐCSTQ tại Mỹ.
Vào ngày 25/8, Đại học Syracuse – một Đại học Tư thục Bang New York thông báo rằng, họ sẽ đình chỉ việc giảng dạy và tiến hành điều tra đối với Giáo sư Jon Zubieta, với lý do là giáo trình giảng dạy của ông đã sử dụng “ngôn ngữ xúc phạm” gây “ảnh hưởng đến môi trường học tập” của sinh viên. Đại học Syracuse nói rằng, cách nói của Giáo sư đã “xúc phạm mỗi người Trung Quốc ở quốc tế và người Mỹ gốc Á, khiến họ phải trải qua những lời nói, từ ngữ và hành động mang tính căm thù kể từ sau đại dịch”.
Jon Zubieta là vị Giáo sư đã dạy hóa học tại trường đại học Syracuse 30 năm nay. Trong một đại cương với tiêu đề “Các biện pháp phòng ngừa đặc biệt liên quan đến đại dịch Covid-19”, ông đã chú thích các cụm từ “Cúm Vũ Hán hoặc virus ĐCSTQ” trong giáo trình. Các bức ảnh về giáo trình này đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, gây ra phản đối mạnh mẽ từ một số sinh viên.
“Tôi có ý cười nhạo những tập quán bảo thủ, hủ bại của một nền văn hóa chính trị cụ thể, chứ không phải là những người Trung Quốc hay những di tích và truyền thống lịch sử vĩ đại của họ”, Giáo sư Zubieta đã đưa ra một tuyên bố tại tổ chức phi lợi nhuận “Quỹ vì quyền cá nhân trong giáo dục (FIRE)”, và thêm rằng “Việc nhà trường đình chỉ tôi, trên thực tế dường như đang ủng hộ cho cáo buộc về phân biệt chủng tộc và thù hận đối với Trung Quốc, điều này khiến tôi rất băn khoăn”.
Về vấn đề này, tổ chức FIRE cho biết, nhà trường đang điều tra hành vi sai trái, môi trường làm việc thù địch và phân biệt đối xử của Zubieta.
Vào ngày 22/9, FIRE đã viết thư cho Kent Syverud – Hiệu trưởng của trường Đại học Syracuse, nhằm thúc giục ông này hủy bỏ cuộc điều tra và khôi phục công việc cho Giáo sư Zubieta. FIRE tuyên bố rằng, Đại học Syracuse là một trường tư thục cho nên không phải tuân theo “Hiến Pháp Tu chính án”, nhưng vẫn nên thực hiện cam kết về chính sách ủng hộ tự do ngôn luận của trường.
“Nếu bạn muốn đảm bảo cho các giáo sư của bạn quyền tự do ngôn luận và tự do học thuật, bạn phải tuân theo những lời hứa này ngay cả trong những tình huống khó khăn hoặc không được ưa chuộng”, Zach Greenberg – Chuyên viên dự án FIRE nói với Epoch Times qua thư.
Greenberg nói rằng, Giáo sư Zubieta đã nhận được nhiều thông tin trên mạng xã hội với nội dung yêu cầu sa thải ông. Thêm nữa, vị giáo sư hóa học này luôn là “một nhân viên kiểu mẫu”, và trước khi vụ việc này xảy ra, ông Zubieta chưa từng có bất kỳ hành vi sai trái nào hoặc bất kỳ cáo buộc vi phạm nào trong suốt 30 năm giảng dạy tại trường.
Greenberg thêm rằng, mặc dù các trường đại học được tự do lên án công khai những ngôn từ mang tính căm thù, tâm lý cố chấp và thù hận nước ngoài, nhưng quan điểm của FIRE là “giải quyết các vấn đề về ngôn từ gây thù ghét hoặc khó chịu bằng cách tự do ngôn luận hơn nữa; chứ không phải là kiểm duyệt hoặc sử dụng hành vi bạo lực, hoặc sa thải giáo sư giống như vụ việc này”.
Đại học Syracuse tuyên bố rằng, chính sách ngôn luận của trường là làm “tuân thủ luật về quyền công dân của Liên bang và bang New York, tạo ra một môi trường giáo dục cân bằng về quyền tự do ngôn luận và bảo vệ một số nhóm được đặc định bảo vệ khỏi bị phân biệt đối xử hoặc quấy rối”.
“Là một đoàn thể, chúng tôi không thể và sẽ không dung thứ cho những nhận xét quấy rối, đe dọa hoặc uy hiếp một nhóm hoặc một cá nhân”, Đại học Syracuse cho biết trong một tuyên bố.
Lên tiếng ủng hộ Giáo sư Zubieta, lo ngại về ‘quyền lực ngầm’ của ĐCSTQ tại Mỹ
Khi một bộ phận sinh viên Trung Quốc tại Đại học Syracuse bày tỏ rằng họ cảm thấy bị xúc phạm khi Zubieta mô tả về đại dịch như vậy, thì một sinh viên Trung Quốc khác tại Đại học Buffalo gần đó đã viết một lá thư lên án hành động của Đại học Syracuse.
“Là một người sinh ra và lớn lên tại Trung Quốc, tôi không hề cảm thấy bị xúc phạm khi nghe những lời này”, Lưu Thiên Vũ – một nghiên cứu sinh khoa lịch sử của trường đã viết trong “Thư gửi biên tập viên” của tờ báo Spectrum trong khuôn viên trường vào ngày 14/9 rằng: “Rất nhiều người Trung Quốc sử dụng 2 thuật ngữ ‘Cúm Vũ Hán’ và ‘virus ĐCSTQ’; ông ấy chỉ ra rằng trước khi chính phủ Trung Quốc cấm dùng 2 cụm từ này, vào thời kỳ đầu bùng phát dịch bệnh, người Trung Quốc vẫn thường gọi nó là “Cúm Vũ Hán” (Wuhan Flu)”.
Lưu Thiên Vũ còn viết rằng, ĐCSTQ đã trấn áp sự cảnh báo của các bác sĩ trong giai đoạn đầu bùng phát dịch, do đó mới làm trầm trọng thêm nguy cơ lây lan của dịch bệnh.
Lưu Thiên Vũ viết thêm: “2 thuật ngữ “cúm Vũ Hán” và “virus ĐCSTQ” dễ dàng nhắc nhở mọi người về những sai sót trong hệ thống của Đảng Cộng sản. Đây là lý do tại sao ĐCSTQ cấm người dân sử dụng [hai từ này]”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times, Lưu Thiên Vũ cho biết lần đầu tiên nhận được tin tức về vụ việc Zubieta, anh đã “rất kinh ngạc”.
“Nếu điều này xảy ra ở Trung Quốc, và một vị giáo sư vì phát biểu cụm từ “virus ĐCSTQ” mà bị sa thải thì là một chuyện rất bình thường. Mọi người đối với loại chuyện này đã quá hiểu rồi”, Lưu Thiên Vũ nói, “nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điều tương tự như thế sẽ xảy ra tại Hoa Kỳ”.
Lưu Thiên Vũ cũng cho biết, lúc ban đầu là kinh ngạc và sau đó là dần chuyển thành sự phẫn nộ. Anh tin rằng quyết định trừng phạt các cá nhân vì “tội phát ngôn” của Đại học Syracuse theo như anh mô tả là một “sai lầm lớn.” Anh nói thêm rằng, mình sẽ viết thư cho ban biên tập vì anh lo lắng rằng điều tương tự như vậy có thể xảy ra ở Đại học Buffalo.
“Hoa Kỳ, theo tôi, là một quốc gia coi trọng quyền tự do ngôn luận. Mọi người nên được tự do bày tỏ ý kiến của mình… Bạn không nên bị phạt hành chính chỉ vì một vài từ hoặc một câu nói”, Lưu Thiên Vũ nói.
Anh tin rằng lời nói của giáo sư không hề thể hiện sự phân biệt chủng tộc, bởi vì nó không nhằm vào bất kỳ nhóm chủng tộc hay nhóm sinh viên nào. Mà ngược lại, tuyên bố này cũng chứa đựng “sự nghi ngờ về sự điều hành của chế độ Trung Quốc hiện tại và chỉ trích về cách xử lý dịch bệnh của ĐCSTQ”.
“Ông ấy đưa ra ý kiến cá nhân của mình, có lẽ ông ấy muốn khiến mọi người suy nghĩ sâu sắc hơn về cách mà đại dịch toàn cầu này bùng phát như thế nào, và mối liên hệ giữa virus và hệ thống ĐCSTQ. Bất kể như thế nào, ông ấy có quyền bày tỏ những quan điểm này”, Lưu Thiên Vũ nói.
Tờ Epoch Times gọi loại virus này là “virus ĐCSTQ.” Như đã giải thích trong bài xã luận hồi tháng 3, mục đích của việc chọn từ này là để buộc chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tội che dấu dịch bệnh khiến cho đại dịch lây lan khắp toàn cầu.
Lương Phong