Tinh Hoa

Mỹ gạt ngang lời mời sử dụng cơ sở trên biển Đông của Trung Quốc

(NLĐO) – Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1-5 cho biết hoạt động xây dựng và cải tạo trái phép của Trung Quốc trên biển Đông “không giúp gì cho hòa bình khu vực”, bất kể các cơ sở được Bắc Kinh sử dụng cho mục đích nào.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke khẳng định lập trường của Washington vẫn không đổi, đó là các hoạt động này “không góp phần làm ổn định khu vực”.

Trước đó, Trung Quốc ngang nhiên mời Mỹ và một số quốc gia khác sử dụng các “cơ sở dân sự” đang được Bắc Kinh xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tìm kiếm cứu nạn, dự báo thời tiết khi “điều kiện thích hợp”.

Hình ảnh của Philippines cho thấy Trung Quốc đang cải tạo Đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa.

Ảnh: EPA

Hôm 30-4, Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines, tướng Gregorio Pio Catapang Jr., thách Trung Quốc đưa ra bằng chứng chứng minh Manila cải tạo đất trên biển Đông. Trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên sau lễ bế mạc cuộc tập trận Balikatan, ông Catapang bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh rằng Philippines xây dựng trên biển Đông.

Khẳng định chính phủ Philippines tôn trọng các quy tắc do Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) ban hành, tướng Catapang nói: “Chúng tôi không thực hiện bất cứ hoạt động nào bên trong khu vực mà chúng tôi kiểm soát. Chúng tôi chỉ duy trì các khu vực này để dễ dàng sửa chữa đường băng nhưng chúng tôi vẫn đang chờ quyết định của ITLOS trước khi thực hiện”. Trung Quốc từng tố cáo Philippines xây dựng sân bay và cơ sở hạ tầng cố định trên đảo Thị Tứ.

Tướng Catapang cho rằng Bắc Kinh nên đưa ra bằng chứng nếu muốn kết tội Manila. “Nếu Trung Quốc có thể trình các bức ảnh họ chụp chúng tôi cải tạo đất, họ cứ đưa ra. Nhưng hiện tại, tôi chắc chắn rằng chúng tôi không làm bất cứ điều gì (sai trái) trong khu vực” – ông nhấn mạnh.

Khi chưa thấy hình ảnh của Trung Quốc trưng ra thì ngày 20-4 vừa qua, Philippines đã cho thấy một số hình ảnh Trung Quốc cải tạo, xây dựng trái phép cơ sở hạ tầng trên biển Đông. Tướng Catapang cho biết Bắc Kinh đang tàn phá khoảng 300 ha của hệ thống rạn san hô, gây thiệt hại cho các nước ven biển ước tính 100 triệu USD/năm.

P.Nghĩa (Theo Reuters, GMA Network)

Theo Người Lao Động