Tinh Hoa

Mỹ: Đậu vào hồ nước nhiễm độc, hàng ngàn con ngỗng tuyết tử vong

Phải di cư do bão tuyết, hàng nghìn con ngỗng tuyết không may đậu phải hồ nước nhiễm độc tại mỏ quặng lộ thiên ở Montana, Hoa Kỳ và gặp nạn.

(ảnh: Wiki)

Berkeley Pit là một mỏ quặng đồng lộ thiên ở Butte, Montana, Hoa Kỳ. Kích thước của nó là khoảng 1,6 x 0,8 km, sâu khoảng 540m và chứa nước có độ sâu khoảng 270m, có tính axit cao (pH 2,5) tương đương với coca cola hoặc nước chanh. Kết quả là, hồ nước này đậm đặc kim loại nặng và các hóa chất nguy hiểm rò rỉ ra từ đá, như: đồng, thạch tín, kẽm, axit sulfuric.

Berkeley Pit nhìn từ trên cao. (Ảnh: Internet)
 Một “cơn bão hoàn hảo”

Một cơn bão tuyết cuối tháng 11/2016 đã khiến cho hàng nghìn con ngỗng tuyết đang di cư trễ trên bầu trời Montana phải tìm chỗ trú ngụ khẩn cấp, và trớ trêu thay, mỏ quặng Berkeley Pit lại là nơi duy nhất gần đó có một hồ nước.

Hàng năm, chỉ có tổng cộng khoảng 2000-5000 con chim bay qua vùng Butte này vào mùa di cư và mùa xuân. Nhưng trong sự cố này, có tới khoảng 25.000 con ngỗng tuyết bay tới.

Ông Mark Thompson, giám đốc quản lý môi trường của công ty Montana Resources cho biết cảnh tượng ở đó trông như “3 km vuông toàn chim trắng” vào ngày 28/11.

(Ảnh minh họa)

Nhân viên của Montana Resources và Arco  – 2 công ty quản lý mỏ quặng đã phải dùng đèn pha để phát sáng, hoặc loa tạo tiếng ồn lớn hay những cách khác để đuổi lũ chim khỏi bay tới vùng nước này và đậu vào đó.

Cho tới ngày 29/11, họ ước tính hơn 90% số chim đã được đuổi đi, ông Thompson phát biểu với hãng tin AP.

“Tôi không thể kết luận được bao nhiêu con chim đã đến vùng Butte đêm hôm đó”, ông Thompson nói. “Con số vượt quá bất cứ điều gì chúng tôi đã từng trải qua trong 21 năm quan sát, gấp nhiều cấp độ”.

Con số tử vong của ngỗng tuyết lên tới vài nghìn, theo ước tính bởi máy bay và drone quan sát trên khu mỏ. Các cơ quan nhà nước vẫn đang làm việc để kết luận chính xác, nhưng chắc chắn sẽ gấp nhiều lần con số 342 ngỗng tử vong trong một tai nạn tương tự vào năm 1995.

Hai công ty quản lý khu mỏ có thể bị phạt nếu Cơ quan bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ (EPA) kết luận rằng họ đã khôn tuân thủ đúng quy định về xua đuổi chim, nhưng ông Thompson tỏ ra khá tự tin rằng những nỗ lực của họ là đã hoàn thành đủ trách nhiệm.

Theo trithucvn