Các nhà khoa học tại Đại học California, San Diego, Mỹ, chế tạo thành công miếng dán trên da có thể biến mồ hôi tiết ra khi vận động thành năng lượng, đủ cung cấp điện năng cho điện thoại hoạt động bình thường.
Miếng dán trên da này là một hình vuông linh hoạt có bề ngang chỉ rộng vài cm. Nó sử dụng các enzyme để chuyển hóa axit lactic trong mồ hôi thành năng lượng. Nhóm nghiên cứu tạo ra sản phẩm thử nghiệm có khả năng cung cấp điện cho một chiếc đài phát thanh trong hai ngày. Đối với công nghệ tế bào nhiên liệu sinh học, kết quả này khá ấn tượng vì miếng dán tạo ra năng lượng gấp 10 lần so với những sản phẩm trước đây.
Joseph Wang, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Bây giờ chúng tôi đã tạo ra được mức điện năng khá ấn tượng. Nếu bạn đi ra ngoài để chạy bộ, mồ hôi của bạn có thể cung cấp điện cho thiết bị di động”.
Miếng dán này có thể là cách hữu hiệu để giúp cho điện thoại luôn được sạc đầy pin trong khi bạn đang tập thể dục. Các nhà nghiên cứu cũng xem đây là phương pháp để tạo ra cảm biến sinh học theo dõi sức khỏe người dùng.
Miếng dán này có thể là cách hữu hiệu để giúp cho điện thoại luôn được sạc đầy pin trong khi bạn đang tập thể dục.
Mồ hôi chứa một số chất chỉ thị sinh học quan trọng. Ví dụ, nồng độ glucose trong mồ hôi tương đương với nồng độ trong máu. Do đó, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có thể sử dụng miếng dán để theo dõi lượng đường trong máu.
Mirella Di Lorenzo tại Đại học Bath, Anh cho biết: “Ứng dụng thú vị nhất của công nghệ mới là các cảm biến theo dõi tình trạng sức khỏe được đeo trên cơ thể. Mồ hôi tạo ra đủ năng lượng cần thiết để kết nối Bluetooth, truyền dữ liệu kết quả trực tiếp đến điện thoại thông minh”.
Theo xaluan