Các công tố viên liên bang Mỹ đã cáo buộc Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tham gia vào một đường dây buôn bán ma túy vào nước này. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gây áp lực buộc nhà lãnh đạo Venezuela từ chức, theo New York Times.
Hôm 26/3, Tổng thống nước Venezuela Nicolás Maduro đã bị truy tố tại Hoa Kỳ vì tham gia vào một đường dây quốc tế buôn ma túy và cocain kéo dài trong nhiều thập kỷ. Các công tố viên cho biết, ông Maduro vẫn điều hành đường dây buôn bán chất gây nghiện ngay cả khi đã trở thành Tổng thống Venezuela.
Bản cáo trạng dành cho một nguyên thủ quốc gia là một điều hiếm thấy và thể hiện sự leo thang căng thẳng của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm gây áp lực buộc ông Maduro từ chức sau lần tái đắc cử Tổng thống gây ra nhiều tranh cãi vào năm 2018. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố sẽ thưởng 15 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin và bằng chứng thiết thực đủ để có thể ban lệnh bắt giữ ông Maduro, người đã khiến nền kinh tế của Venezuela rơi vào tình trạng hỗn loạn và hàng triệu người dân phải di cư.
Trong một cuộc họp báo với sự có mặt của lãnh đạo Lực lượng Phòng chống Ma túy và các công tố viên liên bang hàng đầu ở thành phố Miami và quận Manhattan, Tổng thống Maduro, 57 tuổi, bị buộc tội nhập khẩu hàng trăm tấn cocain vào Hoa Kỳ. Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Pelham Barr cho hay chính quyền do ông Maduro lãnh đạo đã “gây nên nhiều nhức nhối bởi tệ nạn và tham nhũng”.
Ông William Barr cho biết mục tiêu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ là xóa bỏ “tệ nạn tham nhũng quy mô lớn trong bộ máy chính phủ Venezuela, một hệ thống chính phủ được xây dựng và quản lý nhằm làm giàu cho những quan chức cấp cao nhất trong lực lượng chính phủ”.
Ông Maduro sau đó đã lên án các cáo buộc, tố cáo Mỹ và quốc gia đồng minh Colombia trên Twitter vì đã “khiến Venezuela tràn ngập bạo lực”. Ông Maduro khẳng định mình sẽ không bị đánh bại.
Chính quyền Mỹ hiện đã không còn coi ông Maduro là Tổng thống của Venezuela. Giống như hầu hết các nước láng giềng của Venezuela, chính quyền Tổng thống Donald Trump thay vào đó đã công nhận ông Juan Guaidó, nhà lãnh đạo phe đối lập, làm Tổng thống Venezuela kể từ khi ông tự tuyên bố là người lãnh đạo đất nước vào tháng 1/2019. Tuy nhiên, ông Guaidó không thể giành quyền lực từ tay tổng thống Maduro, và điều này khiến Venezuela lâm vào cảnh “1 núi 2 hổ”.
Nhiều quan chức chính phủ Venezuela khác cũng liên quan đến đường dây buôn ma túy
Bên cạnh việc buộc tội ông Maduro, cáo buộc của công tố liên bang còn tố cáo hàng chục quan chức chính phủ khác của Venezuela, các quan chức tình báo và các thành viên của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, phiến quân lớn nhất tại Colombia có thu nhập béo bở từ việc buôn bán cocain bấy lâu nay.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ chưa cho biết liệu chính quyền Mỹ có quyết định dẫn độ ông Maduro, hiện đang ở Venezuela, hay những cá nhân khác về cáo buộc trên hay không. Ông cũng không tiết lộ mình đã thảo luận trực tiếp với Tổng thống Donald Trump về vấn đề này chưa, hay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đàm phán với ông Guaidó về cáo buộc trên hay chưa.
Một số chuyên gia nhận định rằng, thay vì gây trở ngại cho ông Maduro, những cáo buộc trên có khả năng sẽ phản tác dụng. Chẳng hạn, ông Geoff Ramsey, giám đốc Venezuela tại Văn phòng Washington về Mỹ Latinh – một tổ chức vận động nhân quyền, cho hay chính quyền ông Trump khả năng sẽ đánh mất cơ hội đàm phán giao thương với Tổng thống Maduro và những đồng minh hàng đầu của của ông, từ đó khó tạo được một bộ máy chính quyền mới tại Venezuela.
“Giờ đây khả năng cao những người này (ông Marudo và các quan chức bị cáo buộc) vẫn sẽ tiếp tục chối bỏ cáo buộc hơn là tìm cách để thỏa hiệp. Và như vậy, các cơ hội giúp làm giảm tỷ lệ lạm phát cho Venezuela coi như đổ sông đổ bể,” ông Ramsey cho hay. Ông cho biết thêm những cáo buộc này thể hiện rõ chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ quyết định giải quyết các vấn đề tại Venezuela mà không cần sự tham gia của Tổng thống Maduro.
Cáo buộc được đưa ra ngay trong giai đoạn gần 200 quốc gia trên thế giới đang phải chiến đấu với dịch bệnh Vũ Hán (COVID-19). Ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền Venezuela cũng không thể cung cấp các cơ sở y tế cần thiết cho người dân của họ nên khi dịch bệnh đã lây lan toàn cầu, ông Maduro chỉ thi hành lệnh hạn chế đi lại và phong tỏa toàn quốc.
Ông Barr cho biết cáo buộc mới cho thấy Venezuela cần “một bộ máy chính quyền mới hiệu quả và biết nghĩ cho người dân”.
Các cáo buộc được nêu chi tiết trong ba bản cáo trạng – hai bản đệ trình tại New York, một bản tại Washington, và một đơn kiện hình sự được nộp tại Miami. Một trong số các bản cáo trạng chưa được công bố tại tòa án liên bang ở Manhattan bao gồm bốn tội danh, cáo buộc các bị cáo sở hữu súng máy và âm mưu sở hữu súng máy bên cạnh các tội danh khác là buôn bán ma túy và cocain.
Ông Geoffrey S. Berman, luật sư Mỹ tại Manhattan, cho hay: “Phạm vi và mức độ buôn bán ma túy được ghi nhận chỉ có thể là do ông Maduro và những quan chức khác đã lạm quyền, lợi dụng các tổ chức tại Venezuela đồng thời cung cấp bảo trợ về mặt quân sự và chính trị cho các hành vi buôn bán ma túy của mình”.
Ông Maduro điều hành đường dây buôn ma túy từ trước khi đảm nhiệm cương vị tổng thống
Ông Maduro lên nắm quyền hành đất nước Venezuela vào năm 2013, sau cái chết của cựu Tổng thống Hugo Chávez. Ông tuyên bố sẽ tiếp tục lãnh đạo chiến dịch cách mạng lấy cảm hứng từ xã hội chủ nghĩa của ông Chávez, đó là dùng nguồn doanh thu khổng lồ từ dầu mỏ để thực hiện các chương trình cho người nghèo do chính phủ tài trợ như đầu tư vào xây dựng nhà ở, giáo dục và các cơ sở y tế. Tuy nhiên, Venezuela sau đó đã rơi vào một thời kỳ thoái hóa kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử, gây ra sự sụt giảm giá dầu và những bước sai lầm về kinh tế trong nhiều năm của chính phủ cánh tả. Hệ thống y tế quốc gia sụp đổ, khiến cho hàng triệu người dân Venezuela phải di cư sang khu vực khác.
Thậm chí, một bản cáo trạng còn cho hay ngay cả khi đang còn tại nhiệm cương vị Tổng thống, ông Maduro vẫn tiếp tục điều hành và quản lý một đường dây ma túy có tên gọi là “Băng đảng Mặt trời”, được đặt tên dựa trên ngôi sao hình mặt trời gắn trên đồng phục của lực lượng quân đội Venezuela. Ban cáo trạng cho biết ông Maduro và nhiều quan chức khác đã phát triển quy mô đường dây và “nhập khẩu một lượng lớn” cocain vào Mỹ, khiến cho nhiều người dân nước này bị ảnh hưởng và lâm vào cảnh nghiện ngập. Cáo trạng viết: “Băng nhóm này coi cocain là một thứ vũ khí chống lại Mỹ và cố nhập khẩu vào quốc gia này nhiều cocain nhất có thể”.
Cáo trạng cho biết, ông Maduro đã thỏa thuận đàm phán vận chuyển các lô hàng cocain do Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia sản xuất, chỉ đạo các băng đảng cung cấp vũ khí cấp quân sự cho nhóm đồng thời phối hợp các hoạt động đối ngoại với Honduras và các quốc gia khác nhằm “mở rộng quy mô buôn bán ma túy”.
Một trong số các bản cáo trạng tại New York cho hay, vào đầu năm 2005, cựu Tổng thống Chávez đã chỉ đạo ông Maduro và một thành viên khác thuộc Quốc hội Venezuela rằng bất kỳ thẩm phán Venezuela nào không bảo vệ Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia và các hoạt động của họ cần bị tước bỏ chức vụ. Cáo trạng này cho thấy mối quan hệ tham nhũng từ rất lâu giữa ông Maduro và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia. Sau khi được ông Chávez chọn làm Bộ trưởng Ngoại giao vào năm 2006, Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia đã chuyển 5 triệu USD cho ông Maduro thông qua một khâu trung gian nằm trong kế hoạch rửa tiền của họ. Hai năm sau, ông Maduro và hai đồng phạm của mình đã thỏa thuận trong một cuộc họp với đại diện của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia rằng băng đảng của ông sẽ cung cấp tiền mặt và vũ khí cho Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, đổi lại Lực lượng sẽ đẩy mạnh sản xuất cocain. Ông Maduro cũng đồng ý sẽ “tận dụng quyền lực Bộ trưởng Ngoại giao của mình để đảm bảo nới lỏng biên giới giữa Venezuela và Colombia, tạo điều kiện cho việc kinh doanh ma túy.”
Cáo trạng cho hay ông Maduro vẫn tiếp tục điều hành quá trình vận chuyển chất cấm sau khi đã đắc cử tổng thống khi vào năm 2017, ông “tiếp tục chỉ đạo những thành viên khác trong đường dây vận chuyển các lô hàng cocain lớn vào Mỹ”. Quá trình buôn bán chất cấm bao gồm việc vận chuyển hàng tấn cocain đến một đường băng bí mật tại bang Barinas của Venezuela. Tại đây, những nhân viên thuộc Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia sẽ đưa lượng cocain lên các phương tiện vận chuyển có khoang chứa bí mật để đem tới bờ biển Venezuela và phân phối đi các nơi khác.
Chánh án Venezuela cũng bị buộc tội rửa tiền và Bộ trưởng Quốc phòng cũng bị cáo buộc tội danh buôn bán ma túy. Người đứng đầu đất nước Quốc hội Lập hiến, đồng thời là một sĩ quan quân đội, và cựu lãnh đạo tình báo quân đội Venezuela cũng bị cáo buộc có liên quan. Các công tố viên cho biết cả hai đều là những thành viên cấp cao của đường dây buôn ma túy cấp quốc tế này.
Trong số những người cháu trai của Tổng thống Maduro, có hai người hiện đã bị kết án tù tại Mỹ sau khi bị kết tội có hành vi buôn bán ma túy. Theo đó, các công tố viên cho hay hai người cháu trai của ông Maduro đã cố chuyển giao số tiền 20 triệu USD thu được từ buôn bán ma túy cho gia đình nhằm giúp họ giữ vững quyền lực.
Hai trong số các cựu quan chức Venezuela bị truy tố hôm 26/3 vừa qua đã cắt đứt quan hệ với ông Maduro nhiều năm trước. Một trong số họ, sĩ quan Cliver Alcalá hiện đã nghỉ hưu, kể từ giai đoạn đó đã phối hợp với các quan chức Hoa Kỳ và tìm cách lật đổ ông Maduro. Sau khi bị điều phối đến Colombia, ông Alcalá đã bị Mỹ cáo buộc có dính líu đến ma túy. Ông đã phủ nhận điều này sau đó.
Trong nhiều năm, những nhóm theo dõi đã cáo buộc các trợ lý thân cận của ông Maduro làm việc với nhiều trùm ma túy để thu lợi nhuận và ngăn ngừa nguy cơ sụp đổ. Những người chỉ trích ông Maduro cho hay việc buôn bán ma túy đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ vững chức vụ của vị tổng thống khi ngành công nghiệp dầu mỏ tại Venezuela thoái trào.
Trong một Thông điệp Liên bang vào tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã gọi ông Maduro là “một tổng thống bất hợp pháp, một nhà lãnh đạo tàn nhẫn với người dân của mình” và khẳng định rằng sẽ “loại bỏ sự lạm dụng quyền hành” của ông. Chính quyền ông Trump đã ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt ngày một khắc nghiệt trong năm qua nhằm gây sức ép lên chính quyền ông Maduro, nhưng vị tổng thống Venezuela vẫn không chịu khuất phục. Và ông Guaidó, sau lần đầu tiên thu hút được sự chú ý từ trong nước và quốc tế về khả năng có thể thay đổi tình thế, nhận thấy rằng quyền lực của ông Maduro đang dần suy yếu dần trong những tháng gần đây khi ông Maduro liên tục phải đương đầu, đàn áp phe đối lập.
Một nhóm nhà lãnh đạo Venezuela ‘bị lưu đày’ thuộc phe đối lập, những cá nhân buộc phải rời khỏi quốc gia trong những năm gần đây để không phải chịu sự đàn áp từ ông Maduro, thể hiện sự ủng hộ với các cáo buộc trên. Hầu hết những nhà lãnh đạo này đều đang cố thuyết phục các nhà hoạch định chính sách tại Tây và Mỹ Latinh đưa ra những trừng phạt cứng rắn hơn dành cho ông Maduro, đồng thời nhấn mạnh những hành vi dính líu tới những tội phạm có tổ chức của ông.
Ông Lester Toledo, một lãnh đạo thuộc phe đối lập sống lưu vong đồng thời là thành viên chính phủ ông Guaidó, đã chia sẻ trên Twitter: “Chúng ta đã phải trả giá rất nhiều để có thể đi đến thời điểm này, và chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa khi kể từ hôm nay trở đi, cục diện tình hình đã thay đổi.”
Bên cạnh việc nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump không công nhận ông Maduro là tổng thống hợp pháp của Venezuela, Bộ trưởng Tư pháp William Pelham Barr còn so sánh cáo buộc của ông Maduro với cáo buộc năm 1988 của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ với ông Manuel Antonio Noriega, một cựu tướng lĩnh và nhà độc tài của Cộng hòa Panama, về hành vi buôn bán ma túy và hối lộ. Khi đó, chính quyền Mỹ cũng không công nhận ông Noriega là một nhà lãnh đạo hợp pháp của Cộng hòa Panama.
Huy Hoàng (Theo The New York Times)